Dự kiến quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của trường dự bị đại học

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
28/09/2024 15:15 PM

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của trường dự bị đại học tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường dự bị đại học mới.

Dự kiến quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của trường dự bị đại học

Dự kiến quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của trường dự bị đại học (Hình từ Internet)

Dự kiến quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của trường dự bị đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường dự bị đại học, dự kiến thay thế Thông tư 24/2011/TT-BGDĐTThông tư 41/2013/TT-BGDĐT.

Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường dự bị đại học (DBĐH) bao gồm: vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của trường DBĐH; tổ chức và quản lý nhà trường; tổ chức hoạt động giáo dục; nhiệm vụ và quyền của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tài chính và tài sản trường DBĐH; mối quan hệ giữa trường DBĐH với gia đình học sinh và xã hội.

Theo đó, trường DBĐH là trường chuyên biệt được Nhà nước thành lập cho người học là người dân tộc thiểu số, người học thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường DBĐH có chức năng bồi dưỡng, củng cố các môn học và hoạt động giáo dục cấp trung học phổ thông để học sinh DBĐH có đủ phẩm chất và năng lực vào học đại học hoặc cao đẳng. Trường DBĐH có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc Nhà nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của trường dự bị đại học dự kiến được quy định như sau:

- Xác định tầm nhìn, sứ mệnh, xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển nhà trường theo giai đoạn và kế hoạch giáo dục của nhà trường hàng năm.

- Tuyển sinh; bồi dưỡng DBĐH; xét chuyển học sinh DBĐH vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

- Tổ chức các hoạt động để giáo dục cho học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; ý thức tham gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường và lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

- Quản lý học sinh; bảo đảm các điều kiện để học sinh được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường.

- Tổ chức bộ máy nhà trường theo quy định tại Điều 5 Quy chế; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và thẩm quyền được phân cấp.

- Thực hiện chế độ tài chính, kế toán và quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục và hoạt động nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.

- Sơ kết, tổng kết; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; quản lý hồ sơ, tài liệu và lưu trữ theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Trường DBĐH chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan chủ quản, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở.

Thẩm quyền, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể trường DBĐH thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 87

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]