Rà soát án khiếu nại, không phát hiện oan

27/05/2014 11:03 AM

Báo cáo về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013) của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình mới được gửi tới Quốc hội kỳ họp này. Báo cáo nêu rõ, việc rà soát án chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Tại nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp cuối năm 2013, Quốc hội đã yêu cầu nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng.

Sau phiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình (đúng thời điểm xảy ra vụ án oan 10 năm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang), Quốc hội đã yêu cầu ngành tòa án rà soát các trường hợp đã xét xử có mức án trên 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình nhưng có đơn kêu oan.


Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tại diễn đàn Quốc hội.

Không phát hiện án oan

Báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, các tòa án đã giải quyết 158.124 vụ án các loại trong tổng số 243.180 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 65%, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước). Số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Mặc dù số lượng các vụ án phải giải quyết tăng hơn cùng kỳ năm trước 12.644 vụ, nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,7%, giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước” – người đứng đầu TAND tối cao nhận định.

Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, về cơ bản việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Theo báo cáo, tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 0,4%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,3%.

Liên quan đến vấn đề án oan, thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình báo cáo, trong thời gian qua TAND tối cao đã tiến hành rà soát, kiểm tra 31 trường hợp có đơn kêu oan, đặc biệt là các vụ án được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản việc xét xử của tòa án là đúng pháp luật, tuy nhiên cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 4 trường hợp do điều tra chưa đầy đủ. Hiện nay đang tiếp tục xem xét 55 trường hợp còn lại để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, chống oan sai là việc tăng cường tranh tụng tại phiên tòa. Các tòa án đã tập trung làm tốt việc tranh tụng trong quá trình giải quyết tất cả các loại vụ án, tạo điều kiện cho luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án, triệu tập đầy đủ người tham gia tố tụng đến phiên tòa, lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng, bình đẳng trong việc tranh tụng tại phiên tòa, chú trọng việc đánh giá các chứng cứ trong hồ sơ và các chứng cứ mới.

Phát hiện thêm tội phạm tham nhũng qua xét xử

Về án tham nhũng, Chánh án TAND tối cao khẳng định, các vụ án chức vụ lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình.

Báo cáo của TAND tối cao dẫn chứng, trong một số vụ việc điển hình được nêu sau nhận định này có vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hay vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Người đứng đầu ngành tòa án quả quyết, quá trình giải quyết các vụ án, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, Tòa án đã yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can; đồng thời khi phát hiện có sự buông lỏng, sơ hở trong công tác quản lý là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các Tòa án đã kiến nghị với các cơ quan có liên quan để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý.

Chánh án Trương Hòa Bình khái quát kết quả, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được tòa án cho hưởng án treo giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Số bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo chỉ chiếm 15% trong tổng số các bị cáo đã xét xử.

Việc xử dưới khung hình phạt đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ cũng được hạn chế ở mức thấp, chủ yếu áp dụng đối với những bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.

P.Thảo

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,632

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]