Tổng hợp danh sách doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn (Có File excel)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/10/2024 13:15 PM

Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp danh sách doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn do cơ quan Nhà nước ban hành và quy định của pháp luật liên quan.

Tổng hợp danh sách doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn (Có File excel) (Hình từ internet)

1. Tổng hợp danh sách doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn (Có File excel)

Dưới đây là bảng tổng hợp văn bản và danh danh sách các doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn:

STT

Văn bản

File excel

1

Công văn 2937/CV-ĐCSKT-MT của Công an thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa về việc đề nghị phối hợp giải quyết vụ án hình sự

Danh sách 185 doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn

2

Công văn 3385/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp

Danh sách 113 doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn

3

Công văn 133/TCT-TTKT ngày 23/11/2022 của Tổng cục Thuế

Danh sách 1498 doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn

4

Công văn 2526/PC03-D9 ngày 24/03/2023 của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM

5

Công văn 1798/TCT-TTKT ban hành ngày 16/05/2023 của Tổng cục Thuế

6

Công văn 1475/CQQCSĐT-ĐTKT ngày 02/04/2021 của Cơ quan CSĐT Công An Quận Bình Tân

7

Công văn 1396/ANDT do Bộ Công An ban hành

* Một số công văn do công an ban hành vì lý do bảo mật phục vụ công tác điều tra, nên vẫn chưa có file gốc.

2. Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp rủi ro trong quản lý, sử dụng hóa đơn

Theo Quyết định 78/QĐ-TCT năm 2023 Tổng cục Thuế ban hành Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. 

Theo đó, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế là doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn dựa trên các tiêu chí đánh giá dưới đây:

STT

Tiêu chí

Chỉ số tiêu chí

1

Tiêu chí 1. Thông tin chung về doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (phù hợp ngành nghề đăng ký kinh doanh) một trong các cơ sở vật chất sau: nhà máy; xưởng sản xuất; kho hàng; phương tiện vận tải; cửa hàng và các cơ sở vật chất khác trên cơ sở kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế.

2

Tiêu chí 2. Thông tin của chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

2. Doanh nghiệp có thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị khởi tố về tội trốn thuế, tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

4. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

5. Doanh nghiệp có thông báo của cơ quan thuế hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký sau đó đã được khôi phục mã số thuế tiếp tục hoạt động.

6. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc có văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế sau đó tiếp tục hoạt động hoặc thực hiện đề nghị khôi phục mã số thuế nhưng thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi trụ sở đăng ký kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý.

 

3

Tiêu chí 3. Tình hình kê khai và nộp thuế

7. Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ khai thuế sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

8. Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ kê khai năm trước liền kề (trừ doanh thu xuất khẩu) trên 10 tỷ đồng đồng thời có tỷ lệ “Sổ thuế GTGT phải nộp/Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ” trong kỳ (trừ doanh thu xuất khẩu) nhỏ hơn 1%.

4

Tiêu chí 4. Doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đáng ngờ

9. Doanh nghiệp có doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có quan hệ liên kết chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

10. Doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ theo danh sách cảnh báo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Tổng cục Thuế.

Xem toàn bộ tiêu chí đánh giá:

Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn

3. Mua bán hóa đơn trái phép bị xử lý thế nào?

3.1 Mức phạt hành chính 

Căn cứ Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn như sau:

Điều 28. Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Như vậy, tổ chức có hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc hủy hóa đơn đã sử dụng. Trừ các trường hợp sau:

- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

- Sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức (quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)

3.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:

(1) Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

- Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

- Tái phạm nguy hiểm.

(3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(4) Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản (1), thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng nếu phạm  tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

+ Có tổ chức; 

+ Có tính chất chuyên nghiệp; 

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; 

+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,415

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]