Sẽ hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư công trình sau khi được Quốc hội thông qua

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/10/2024 15:29 PM

Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư công trình sau khi được Quốc hội thông qua.

Sẽ hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư công trình

Nội dung đề cập tại Thông báo 465/TB-VPCP năm 2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, đối với kiến nghị về việc được vay vốn với lãi suất thấp hoặc tạm sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương để bổ sung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của Vùng và tỉnh:

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kiến nghị về việc sử dụng nguồn vốn, lãi suất vay vốn cho đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, quan tâm hướng dẫn tỉnh trong áp dụng thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có đề xuất cụ thể đối với từng dự án và hình thức vay.

Giao Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Khóa XV nội dung cho phép địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các công trình dự án.

Như vậy, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của Vùng và tỉnh.

Sẽ hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư công trình sau khi được Quốc hội thông qua

Sẽ hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư công trình sau khi được Quốc hội thông qua (Hình từ internet)

Làm tốt công tác cải cách tiền lương gắn với kiểm soát giá cả thị trường

Trước đó, tại Thông báo 414/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành cũng có đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương.

Cụ thể, về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Thông báo 414/TB-VPCP năm 2024 như sau:

- Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội và Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy ngày 09 tháng 8 năm 2024 để có những giải pháp đột phá, hiệu quả hơn nữa trong phát triển Thủ đô.

- Phát huy mạnh mẽ tinh thần quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm, phân công công việc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, rõ kết quả và rõ sản phẩm. Mục tiêu, chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải nỗ lực, có giải pháp đột phá đạt bằng được, mục tiêu, chỉ tiêu nào đã đạt được thì phải quyết tâm, thực hiện hiệu quả và đạt cao hơn nữa.

- Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm).

- Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế về thể chế, cơ chế, chính sách và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, phấn đấu nằm trong nhóm 5-10 địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính.

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình quan trọng, trọng điểm như tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô phải hoàn thành trong năm 2026 theo đúng tiến độ; trong đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành kịp thời giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Tiên phong trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung xây dựng Thủ đô thông minh. Từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị liên quan tới giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, xã hội...

- Bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội; kiên quyết không để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, nhân lực y tế; chuẩn bị tốt cho năm học mới; làm tốt công tác cải cách tiền lương gắn với kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường để Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

- Phát triển văn hóa xứng tầm Thủ đô văn minh, văn hiến, anh hùng; phát huy mạnh mẽ truyền thống nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế, xã hội. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân và du khách tới Hà Nội luôn cảm thấy yên tâm tại “thành phố vì hòa bình”; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, nhất là đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 224

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]