Mức phụ cấp chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/10/2024 14:01 PM

Hiện nay, mức phụ cấp chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách là bao nhiêu? Việc bố trí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội được hướng dẫn thế nào?

Nghị quyết giao Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Điện Biên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 1236/NQ-UBTVQH15 năm 2024 về việc giao Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Điện Biên.

Cụ thể, giao bà Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Điện Biên phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Điện Biên đến khi kiện toàn chức danh Trưởng Đoàn.

Trong thời gian phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Lò Thị Luyến được hưởng mức phụ cấp chức vụ bằng mức phụ cấp của chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách (hệ số 1,25).

Mức phụ cấp chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách

Mức phụ cấp chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách (Hình từ internet)

Mức phụ cấp chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách

Theo Mục II (Số thứ tự 2) Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ban hành kèm theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11) thì hệ số để tính phụ cấp của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp tỉnh) được quy định như sau:

- TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mức lương hiện hưởng thấp hơn hệ số 9,7 thì hưởng chênh lệch cho bằng 9,7 nếu bằng hoặc cao hơn thì giữ nguyên.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại nếu hệ số phụ cấp chức vụ hiện hưởng thấp hơn 1,25 thì hưởng chênh lệch cho bằng 1,25, nếu bằng hoặc cao hơn thì giữ nguyên.

Về mức lương cơ sở để tính phụ cấp chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách:

Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.

Hướng dẫn bố trí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội

Tại khoản 4 Hướng dẫn 36-HD/BTCTW năm 2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Ban Tổ chức Trung ương ban hành, có hướng dẫn về bố trí trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

(1) Các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố theo nguyên tắc mỗi đồng chí thường trực cấp ủy cấp tỉnh nhìn chung không giữ quá 02 chức danh lãnh đạo (Bí thư, phó bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội); các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố thì không giữ quá 03 chức danh lãnh đạo. Các đồng chí đảm nhiệm chức danh phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố phải là tỉnh ủy viên, giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc tương đương trở lên.

(2) Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp ủy chuẩn bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gắn với công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025); trường hợp cần thiết nếu phải thay đổi thì báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.

(3) Các đồng chí được giới thiệu ứng cử làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử giữ chức chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Đề án nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020- 2025 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII thông qua, thì không phải báo cáo lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; trường hợp cần thiết phải bố trí lại Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội theo đề án tổng thể, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII xem xét, quyết định.

(4) Cấp ủy các cấp lãnh đạo việc bố trí nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp về các đơn vị bầu cử, đảm bảo sự hài hòa, tương quan chung trong việc bố trí nhân sự ứng cử tại các đơn vị bầu cử ở địa phương.

(5) Về số lượng cấp phó đối với chức danh lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định hiện hành. Các tỉnh, thành phố được cơ cấu 02 phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thì phải có 01 đồng chí là ủy viên thường vụ tỉnh, thành ủy.

(6) Trường hợp khi trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có sự thay đổi công tác thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nhân sự phù hợp đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; trường hợp đặc biệt nếu tại địa phương không có nhân sự đáp ứng yêu cầu thì có thể xem xét, phân công đồng chí đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa bàn là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý kiêm nhiệm Trưởng đoàn.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 245

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]