Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 36 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 và ban hành Thông tư 37 hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu.
Điểm mới của 2 thông tư này là đã phân chia nhỏ các nhóm thuốc thành nhóm đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc của châu Âu theo các nhóm nước có trình độ công nghiệp dược khác nhau.
Đồng thời cũng tách nhóm thuốc của Việt Nam; thuốc đông y, y học cổ tuyền, dược liệu và tách cả nguyên liệu đầu vào để đảm bảo công bằng và giảm giá thuốc từ sự cạnh tranh khi xét thầu, khắc phục tình trạng thuốc chất lượng thấp, giá rẻ trúng thầu.
Do vậy, giá thuốc trúng thầu thời gian gần đây tại các sở y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã giảm trung bình hơn 35%.
Qua báo nhanh của một số Sở Y tế về giá trúng thầu theo quy định mới thì kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi, giảm 24%, tiết kiệm 28 tỷ đồng; Sở Y tế Quảng Ninh giảm 20%, tiết kiệm 40 tỷ đồng; Hà Tĩnh giá thuốc giảm 25%, tiết kiệm 32 tỷ đồng và Hậu Giang tiết kiếm 57 tỷ.
Riêng với 26 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, giá thuốc trúng thầu giảm, tiết kiệm được tổng cộng 379 tỷ đồng.
Kết quả khảo sát 36 mặt hàng thuốc phổ biến trong các bệnh viện của đoàn công tác liên ngành cho thấy, so với Trung Quốc, giá thuốc của Việt Nam thấp hơn 1,5 đến 2 lần; so với Thái Lan thấp hơn 2 đến 3 lần và giá thuốc ngoại tăng ở mức trung bình.
Gần đây, giá thuốc ở nước ta luôn đứng vị trí thứ 8, thứ 9 về tăng giá trong bảng xếp hạng chỉ số giá tiêu dùng của 11 nhóm hàng thiết yếu.
Công Trí
Theo Báo điện tử Chính phủ