Khắc phục thiếu sót trong thực hiện chính sách với người có công

26/07/2014 08:10 AM

Bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2014, đợt tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công lần này sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

Trên cơ sở đó, kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện và tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công theo các đối tượng khác nhau.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng và việc tổng rà soát chính sách với người có công

Xin Bộ trưởng cho biết những hoạt động nổi bật được Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, Bộ LĐTBXH phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại TP. Hội An; tham mưu để Chủ tịch nước tặng quà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 397 triệu đồng; phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo Đoàn thanh niên các cơ sở đồng loạt dâng hương thắp nến tri ân tại 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc vào tối 26/7; tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh và các gia đình chính sách tại các địa phương. Đặc biệt, nhiều hoạt động có nội dung hướng về biển đảo quê hương như phong trào “Vì Trường Sa thân yêu” được đông đảo nhân dân cả nước hưởng ứng.

Thời gian qua, nhiều đối tượng người có công chia sẻ họ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bộ sẽ triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân luôn được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Trong đó, những quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ đã được đơn giản hóa theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình xem xét hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng cũng không thể quá đơn giản, thiếu cơ sở pháp lý để ngăn ngừa tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ trợ cấp và danh hiệu Nhà nước tôn vinh.

Với trường hợp người có công còn thiếu thông tin, thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 7/8/2013 của Chính phủ, trong đó giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc giải quyết tồn đọng đối với thương binh, người có công trong chiến tranh không còn đủ giấy tờ theo quy định. Ngày 22/10/2013, liên Bộ LĐTBXH-Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, theo đó, việc giải quyết đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh không cần căn cứ vào người làm chứng hay xác nhận của đơn vị cũ.

Các trường hợp bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu nay có vết thương thực thể hoặc còn mảnh kim khí trong người đều được lập hồ sơ để xem xét, giải quyết chế độ. Việc xét duyệt hồ sơ được thực hiện trên cơ sở bình xét dân chủ, công khai từ thôn (ấp), xã (phường) có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân vào giám sát, xét duyệt hồ sơ.

Các địa phương cả nước đang triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả của đợt tổng rà soát này?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đợt tổng rà soát lần này sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Trên cơ sở đó có kiến nghị kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các chính sách để  giải quyết khó khăn của một bộ phận gia đình người có công, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện và tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công theo các đối tượng khác nhau.

Bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2014, sơ bộ báo cáo của một số tỉnh gửi về cho thấy đợt tổng rà soát đã được các tổ chức xã hội và các địa phương có người có công tham gia, thực hiện nghiêm túc, đem lại kết quả chính xác.

Ví dụ tại Hà Nội, qua rà soát thí điểm tại 30 xã, phường, thị trấn đối với 8.121 trường hợp có kết quả: 6.377 trường hợp hưởng đúng; 32 trường hợp hưởng chưa đầy đủ; 4 trường hợp hưởng sai và 123 trường hợp đủ điều kiện xác nhận đang chờ giải quyết chế độ (chủ yếu là diện đề nghị giải quyết chất độc hóa học, thờ cúng liệt sĩ, thương binh đối với thanh niên xung phong).

Còn tại Quảng Bình, qua rà soát thí điểm tại 8 xã, phường đối với 2.523 trường hợp thì có 1.883 trường hợp hưởng đúng; 634 trường hợp hưởng chưa đầy đủ; 6 trường hợp hưởng sai và 124 trường hợp đủ điều kiện đang chờ giải quyết chế độ (diện chưa hưởng đầy đủ chủ yếu là chờ giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ, hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ).

Quá trình tổng rà soát được đánh giá có nhiều phức tạp, xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn trong triển khai thực hiện và các giải pháp tháo gỡ những khó khăn này?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Để có kết quả rà soát chính xác, minh bạch thì các đoàn thể chính trị xã hội và các hội liên quan tham gia trực tiếp việc rà soát. Tuy nhiên, lực lượng tham gia rà soát không phải là người trực tiếp làm chính sách nên sẽ có những hạn chế nhất định về chính sách người có công. Để tháo gỡ nhưng hạn chế này, trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn về rà soát của Bộ LĐTBXH, các địa phương đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc rà soát, tổ chức tập huấn đến tận cấp xã, những người trực tiếp tham gia rà soát.

Bên cạnh đó, việc rà soát này phải do cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp đến nhà người có công để cùng họ ghi nhận những chế độ họ đang hưởng, đồng thời ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của họ để đề xuất với Ban chỉ đạo. Vì vậy, việc rà soát mất khá nhiều thời gian.

Đối tượng người có công trong diện rà soát cư trú nhiều nơi trong địa bàn địa phương, đặc biệt là các vùng miền núi, khoảng cách từng hộ người có công rất xa, phương tiện đi lại do cá nhân tự túc, nên việc đến từng hộ người có công mất nhiều thời gian. Vì vậy, các địa phương phải có kế hoạch, lên lịch cụ thể với từng địa bàn, thôn, xóm để không mất công đi lại.

Một khó khăn khác là những người có công đi làm ăn xa hoặc đã rời khỏi địa phương sẽ gây cản trở cho việc thu thập thông tin. Để khắc phục việc này, các tổ rà soát đã công khai số điện thoại tư vấn, hỏi đáp hoặc tổ rà soát liên lạc qua các hình thức khác với đối tượng để lấy thông tin.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Thu Cúc

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,929

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]