Không quy định nhưng... vẫn phải làm

08/08/2014 11:22 AM

Dù quy định không bắt buộc phải sao y chứng thực nhưng tình trạng sao y chứng thực quá tải do nhiều nơi vẫn bắt buộc nộp bản sao có chứng thực khi làm thủ tục.


Người dân chờ sao y hồ sơ tại P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Hải Nam

9 giờ sáng một ngày cuối tháng 7, tại UBND P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM), PV Thanh Niên chứng kiến khá đông người đến làm thủ tục sao y chứng thực giấy tờ. Có đến 3 cán bộ luôn túc trực làm công việc sao y, thậm chí phó chủ tịch phường cũng ra trước quầy ngồi ký hồ sơ sao y, chứng thực.

Giấy tờ gì cũng phải chứng thực

Em H.V.T (hộ khẩu tại Quảng Ngãi, đang tạm trú tại Q.3, TP.HCM) cho biết em đang sao y một số giấy tờ, bằng cấp, học bạ... để làm thủ tục nhập học đại học. Đưa ra giấy báo nhập học của Trường đại học Công nghệ TP.HCM, T. nói nhà trường thông báo rất rõ ràng hồ sơ nhập học bao gồm bản sao CMND, học bạ, giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận gia đình chính sách... tất cả phải được sao y có công chứng.

Tương tự, tại UBND P.Bến Thành (Q.1) cũng rất đông người đến sao y, chứng thực giấy tờ. Ông Trần Văn Hải đang chờ sao y bằng tốt nghiệp THPT cho cháu gái để bổ túc hồ sơ học trung cấp chính trị. Ông nói: "Dù biết pháp luật quy định không bắt buộc phải sao y khi nộp các loại giấy tờ, nhưng nếu không thực hiện đúng yêu cầu của nhà trường thì hồ sơ không được tiếp nhận". Cũng tại đây, bác sĩ Trần Văn K. cho biết anh vừa nộp hồ sơ lên Sở Y tế TP.HCM làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài hồ sơ bản sao, bác sĩ K. còn đem theo tất cả bản chính nhưng cán bộ tiếp nhận tại Sở Y tế nhất định đòi anh phải sao y chứng thực bằng cấp thì mới nhận hồ sơ. Vì thế, bác sĩ K. phải đi sao y chứng thực.

Không biết tại sao !

Phó chủ tịch P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1) Nguyễn Đình Nam cho biết số lượng hồ sơ sao y, chứng thực thời gian qua vẫn không giảm, nhất là vào đầu các năm học, lượng hồ sơ sao y tăng đột biến do học sinh, sinh viên làm hồ sơ nhập học. Phường phải huy động nhiều cán bộ ra giải quyết, vừa mất thời gian, công sức cho cơ quan nhà nước và người dân, vừa rất tốn kém, lãng phí.

Chúng tôi đã đến Sở Y tế TP.HCM và đặt câu hỏi tại sao phải bắt buộc nộp bản sao y chứng thực, nhiều cán bộ chỉ trả lời đó là quy định từ trước đến nay mà không giải thích nguyên nhân tại sao. Còn tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng ban Tuyển sinh, giải thích: "Để đề phòng giấy tờ, bằng cấp giả nên các trường thường yêu cầu sinh viên phải sao y chứng thực nhằm có một cơ sở pháp lý vững chắc cho hồ sơ. Lâu dần nó trở thành một một quy định bất thành văn của các trường".

Như vậy, phải chăng tình trạng này xuất phát từ việc nhiều cơ quan, đơn vị sợ trách nhiệm khiến người dân phải vất vả, tốn kém.

Thủ tướng đã yêu cầu chấn chỉnh

Ông Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía nam - Bộ Tư pháp cho biết: “Theo điều 6, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính".

Ngày 20.6.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, không bắt buộc người dân phải sao y chứng thực giấy tờ. Trường hợp người dân sử dụng giấy tờ, hồ sơ giả mạo thì nếu phát hiện, tùy theo mức độ mà đối tượng sẽ bị xử lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Hải Nam

Theo Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,053

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]