Điều 5 dự thảo Luật KTNN quy định: Đối tượng kiểm toán của KTNN là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, gồm: 1. Thu, chi ngân sách Nhà nước các cấp; 2. Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước; 3. Nguồn tài chính công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; 4. Các khoản nợ công; 5. Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; 6. Các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý; 7. Tài chính, tài sản công khác.
Đa số ý kiến đồng tình với quy định vì việc quy định cụ thể đối tượng kiểm toán như dự thảo luật bảo đảm rõ ràng, hợp lý, đã cụ thể hóa quy định về phạm vi, đối tượng được kiểm toán của KTNN phù hợp với quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên có ý kiến đề nghị, cần quy định gọn lại sau khi bổ sung khái niệm “Tài chính công” và “Tài sản công”, theo đó, nội dung Điều 5 sửa lại như sau: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
Liên quan đến quy định bảo đảm tính độc lập của KTNN trong hoạt động, dự thảo luật quy định: Tổng KTNN xây dựng và ban hành hệ thống Chuẩn mực KTNN trên cơ sở quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống Chuẩn mực KTNN.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm toán viên cao cấp. Nhiệm vụ của KTNN quyết định kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
Đa số ý kiến trong thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tán thành với quy định trên. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần cân nhắc giao thêm quyền chủ động cho Tổng KTNN để bảo đảm tính độc lập của KTNN trong việc xây dựng và quyết định kế hoạch kiểm toán năm, ban hành quy trình xây dựng và ban hành các quy định về hệ thống Chuẩn mực KTNN cũng như quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Kiểm toán viên cao cấp theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến các hành vi bị cấm (Điều 10), một số ý kiến cho rằng, nội dung tại dự thảo Luật đã kế thừa đầy đủ quy định của Luật hiện hành, nhưng đề nghị phân loại rõ hơn hành vi cấm đối với các chức danh của KTNN, kiểm toán viên, cộng tác viên kiểm toán, các đơn vị được kiểm toán, cơ quan báo chí... Đồng thời, nghiên cứu, xem xét lại quy định hành vi bị cấm đối với KTNN nói chung để bảo đảm tính khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị làm rõ khái niệm “sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà” là như thế nào. “Nếu kiểm toán viên yêu cầu báo cáo lại nhưng đối tượng kiểm toán lại cố tình báo cáo đi báo cáo lại chục lần thì có phải là kiểm toán viên gây phiền hà không”- bà Mai đặt vấn đề. Ngoài ra, bà Mai còn cho rằng, hành vi cản trở công việc của KTNN là hành vi thế nào, cũng cần làm rõ.
Sau buổi thảo luận về dự thảo Luật KTNN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
An Tư
Theo HQ Online