Thượng Tướng Lê Quý Vương: “cơ quan điều tra chịu áp lực rất lớn” - Ảnh: Việt Dũng
Đó là báo cáo của Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn tại phiên giải trình về “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình của Cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” do Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội tổ chức sáng 11-9 tại Hà Nội.
Tòa án kiểm soát quá trình điều tra, truy tố
Theo ông Nguyễn Sơn, thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy có nhiều trường hợp tại phiên tòa, bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, bị ép cung, mớm cung nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh.
Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cũng không thu thập được thêm chứng cứ. Do đó, lý do bị cáo đưa ra thường không được hội đồng xét xử chấp nhận.
Lý giải về việc trong những năm qua không có bị can nào bị khởi tố về tội bức cung, ông Nguyễn Sơn cho biết trên thực tế, việc chỉ dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi… để ép buộc khai sai sự thật rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh.
“Theo quy định, tòa án không trực tiếp kiểm soát quá trình bắt tạm giữ, tạm giam bị can, nên khi xét xử hồ sơ không thể hiện có bức cung, nhục hình. Nếu bị cáo kêu oan, tố cáo có hành vi bức cung, nhục hình của điều tra viên thì cũng không có cơ sở để tòa án kết luận có hay không có hành vi này, vì vậy cần có quy định về sự kiểm soát của tòa án đối với quá trình điều tra, truy tố”- ông Sơn kiến nghị.
Lập tổ liên ngành giám sát oan sai
Báo cáo của Bộ Công an tại phiên giải trình cho biết sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn (53 tuổi, tỉnh Bắc Giang) được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan, có rất nhiều đơn gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương để kêu oan, tố cáo bị bức cung nhục hình trong quá trình điều tra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao để thành lập Tổ chuyên viên liên ngành do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì.
Tổ chuyên viên liên ngành có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá kết quả điều tra các vụ án có đơn kêu oan kéo dài nhằm khắc phục tình trạng làm oan người vô tội.
Bà Lê Thị Nga đề nghị 3 người đứng đầu ngành tư pháp là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ công an trả lời vụ ông Nguyễn Thanh Chấn có vấn đề có bức cung nhục hình hay không và kết quả điều tra vấn đề này đã đến đâu. |
Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc Hội, đề nghị lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết Tổ chuyên viên liên ngành đã được thành lập chưa, hoạt động thế nào: “Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, có hàng loạt đơn kêu oan như vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ bà Nguyễn Thị Hằng (Bắc Giang), vụ Lê Bá Mai (Bình Phước). Đây là những vụ án có đơn kêu oan kéo dài, Tổ chuyên viên liên ngành đã xem xét chưa?’
Cần có cơ chế kiểm soát
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng vấn đề dùng bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra là vấn đề nóng nhưng lâu nay không dám công khai, cứ râm ran trong cử tri.
Bà An yêu cầu đại diện Bộ Công an công bố số liệu cụ thể: “Trong 3 năm qua có bao nhiêu vụ bức cung nhục hình, do ai phát hiện là chính. Báo chí hay Bộ Công an phát hiện? Số người chết tại trụ sở công an là bao nhiêu. Trong báo cáo hàng năm của Bộ Công an, có lưu tâm đến vấn đề bức cung nhục hình và lưu tâm đến mức độ hài lòng của dân hay không. Các đồng chí thấy án đối với tội bức cung, nhục hình có nhẹ không, đã phù hợp chưa để đóng góp chỉnh sửa luật?”
Giải trình vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong 3 năm qua, có 10 vụ điều tra viên dùng bức cung nhục hình phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Các vụ việc này xảy ra chủ yếu ở cơ quan điều tra cấp huyện. Do điều tra viên có tư tưởng giải quyết nóng vội như vụ ở Sóc Trăng hay như vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên.
Về số người chết trong giai đoạn điều tra, thượng tướng Vương cho biết chưa thống kê được. Thượng tướng cho rằng áp lực của cơ quan điều tra là rất lớn. Một số điều tra viên còn có tư tưởng nóng vội, thành tích.
“Ví dụ điều tra vụ Dương Chí Dũng, Bầu Kiên, Huyền Như… rất mệt và áp lực. Vấn đề can thiệp trong điều tra, ở các địa phương tôi không dám khẳng định nhưng Bộ Công an thì không có. Chúng tôi điều tra độc lập dù áp lực công việc rất nhiều” - thượng tướng Vương nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng bày bỏ mong muốn Quốc Hội quan tâm, lắp đặt thiết bị ghi âm ghi hình ở nhà tạm giữ, phòng hỏi cung.
“Tuy nhiên hệ thống này rất lớn, điều kiện thời tiết ở VN bảo quản thiết bị khó khăn. Trước đây chúng tôi có ứng dụng lắp đặt camera ở một số nhà tạm giữ nhưng bảo quản kém nên chất lượng đường truyền rất kém”- ông Vương cho biết.
Để giảm thiểu việc dùng bức cung, nhục hình, bà Lê Thị Nga kiến nghị tách việc quản lý giam giữ khỏi hoạt động điều tra.
“Ở một số huyện, phó trưởng Công an huyện phụ trách điều tra lại kiêm luôn phụ trách nhà tạm giữ, vì vậy rất khó đảm bảo quyền lợi cho người bị tạm giữ. Về biện pháp lắp camera, Ủy ban Tư pháp sẽ kiến nghị với Quốc Hội để tăng cường. Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, tôi đề nghị quyền được ghi âm, ghi hình những buổi hỏi cung là quyền của bị can, bị cáo, luật sư”- bà Nga kiến nghị.
Về biện pháp lắp camera ở nhà tạm giữ, phòng hỏi cung, bà Nga cũng kiến nghị cơ quan quản lý dữ liệu từ camera phải là cơ quan khác. “Nếu là cơ quan điều tra quản lý thì không có ý nghĩa gì cả. Phải có sự độc lập”- bà Nga nhấn mạnh.
Tâm Lụa