01/10/2011 11:26 AM

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra việc người tâm thần gây ra những vụ án mạng kinh hoàng. Đó là sự bất ổn và là mối hiểm họa khôn lường cho cộng động xã hội.

Người tâm thần gây tội ác

Ngày 28.9, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Mạnh (SN 1978). Đây là đối tượng có mang biểu hiện của bệnh tâm thần gây ra vụ án mạng gia đình đau lòng.

Đối tượng Mạnh gây ra cái chết cho vợ con.
Đối tượng Mạnh trong khi nổi cơn tâm thần đã cướp đi mạng sống của vợ con.

Trước đó, vào ngày 21.9, tại thôn Miêng Hạ, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, người dân xôn xao trước cái chết bất thường của ba mẹ con chị Đặng Thị Ngát. Chị Ngát và 2 con nhỏ (cháu lớn 4 tuổi, nhỏ 2 tuổi) khi đang nằm ngủ trong phòng, thì bị Nguyễn Văn Mạnh (chồng chị) dùng khăn giấy ướt, bịt chặt mồm miệng đến ngạt thở. Dù ở trong căn nhà này còn có bố mẹ chồng chị Ngát nghỉ bên ngoài, nhưng với hành vi bất thường, dưới bàn tay hộ pháp cộng thêm cái đầu đang lên cơn điên loạn của Mạnh khiến cả 3 mẹ con không có cơ hội sống.

Gây án xong Mạnh thắt cổ tự tử nhưng không thành. Đối tượng Mạnh vốn bị bệnh thần kinh đã đến Bệnh viện quân y 103 điều tri. Trước khi gây án, Mạnh đang uống thuốc trị bệnh.

Sau đó 1 ngày, khoảng 18h30 ngày 22.9.2011, tại quảng trường Lam Sơn (phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Mai Văn Việt (SN 1974, phố Đông Lập I, phường Điện Biên) dùng dao đâm, chém làm một phụ nữ tử vong, một phụ nữ mang thai tháng thứ 8 phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Vụ án mạng được làm rõ ngay, trước khi gây án, Việt đã đến quảng trường Lam Sơn và vào quán nước của bà Ngô Thị Chung để mua nước uống. Nhưng vì biết Việt vừa đi bệnh viện tâm thần về và hiện đang còn nợ bà Chung 40 nghìn đồng nên chị Lê Thị Thủy (21 tuổi, con gái bà Chung) đã đuổi Việt ra khỏi quán.

Bị cáo Đinh Thị Minh Phương (áo đỏ)
Bị cáo Đinh Thị Minh Phương (áo đỏ, ở Gia Lâm, HN) có tiền sử tâm thần đã hạ sát em trai, bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù.

Bị kích động máu điên nổi lên, Việt đã về nhà và sang nhà hàng xóm lấy trộm dao quay ra quảng trường chém xối xả vào bà Chung và chị Thủy (chị này đang mang thai 8 tháng) gây ra vụ án mạng thương tâm.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, Việt là bộ đội xuất ngũ, chưa có tiền án, tiền sự, có tiền sử của bệnh lý tâm thần phân liệt và đã từng đi điều trị nhiều lần tại Bệnh viện tâm thần Thanh Hóa.

Chín người bị chém, một người sau đó đã tử vong do thương tích quá nặng. Đó là hậu quả của vụ án kinh hoàng xảy ra ngày 8.9.2011 ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Vùng đất ngoại thành Hà Nội này vốn yên ả bỗng chốc xôn xao trước thông tin trên.

Điều càng khiến người ta đau lòng hơn khi biết hung thủ gây án có quan hệ họ hàng thân thiết với nhiều nạn nhân. Động cơ gây án lại chẳng xuất phát từ mâu thuẫn, thù hằn gì. Một lý giải được đưa ra, đó là hung thủ Vũ Văn Mạnh (SN 1963) từng có tiền sử về bệnh tâm thần, và đã được “chữa khỏi” cách đây nhiều năm!

Xử lý thế nào khi người tâm thần phạm tội?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thân (Công ty Luật Bảo Thiên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người mang chứng bệnh tâm thần, nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên theo nguyên tắc chung, những can phạm mắc bệnh tâm thần vào thời điểm gây án hoặc bị hạn chế năng lực hành vi sẽ chỉ phải chịu mức hình phạt không quá ¾ so với người bình thường phạm tội.

Pháp luật cũng quy định đối với những người bị bệnh tâm thần bẩm sinh hoặc mất hết năng lực hành vi thì pháp luật không truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Cty Luật Bảo Thiên) thì nguyên tắc này thể hiện quan điểm nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Nhưng ở góc độ khác, còn gián tiếp đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với người thân của những người tâm thần phạm tội và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội.

Điều 13 – Bộ Luật Hình sự: Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng  bệnh quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Lương Kết

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,586

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]