- "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; khoan dung, đoàn kết các tầng lớp xã hội, người Việt Nam định cư ở nước ngoài"… là những mục tiêu mà tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề ra trong nhiệm kỳ mới.
Chiều nay (25/7), tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.
Củng cố quốc phòng, an ninh
Một trong 5 định hướng công việc sắp tới, theo ông Sang, sẽ là chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngoài ra, cần củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng làm điểm tương đồng. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.
“Đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa khoan dung để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Mục tiêu thứ ba, theo Chủ tịch nước là xây dựng nhà nước pháp quyền do dân, vì dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao. Sửa đổi Hiến pháp 1992, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và quyền làm chủ của nhân dân.
Giám sát, thanh tra, kiểm tra và giữ nghiêm kỷ cương bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ giàu năng lực, cải cách tư pháp, đấu tranh phòng chống tham ô, nhũng nhiễu.
Về kinh tế, Chủ tịch nước khẳng định, sẽ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với kinh tế tri thức. Xây dựng nền kinh tế tự chủ trong điều kiện hội nhập kinh tế để 2020, nước ta thành nước công nghiệp hóa, xây dựng đồng bộ phát triển kinh tế, đặc biệt giải quyết các bức xúc xã hội
Về xã hội, ông Trương Tấn Sang cho rằng, cần phải tập trung giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội về văn hóa, giáo dục, môi trường. Đổi mới cơ chế tiền lương cho người lao động, thu hẹp chênh lệch về lao động. Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân
Làm hết trách nhiệm và quyền hạn
Trước đó, chia sẻ với Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đây là một vinh dự lớn và trách nhiệm nặng nề do Nhà nước và nhân dân giao phó.
“Tôi xin đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước đã được Hiếp pháp và pháp luật quy định. Tôi xin không ngừng học tập nâng cao trình độ theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, và nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến đóng góp của các đại biểu QH. Tôi mong luôn nhận được ủng hộ của cả hệ thống chính trị cả nước, của đồng bào trong và ngoài nước để tôi hoàn thành trọng trách”,ông Sang nói.
Theo Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12 vừa qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đất nước đã vượt khỏi tình trạng khó khăn. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, chính trị ổn định, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao. Đóng góp vào những thành tựu đó có vai trò của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Tân Chủ tịch nước cũng gửi lời tri ân tới người tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết: “Mong đồng chí tiếp tục đóng góp cho dân cho nước và giúp đỡ tôi hoàn thành công việc được giao”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi các đoàn ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về việc bầu Chủ tịch nước, đã có một số ý kiến cho rằng nên sớm thí điểm việc hợp nhất hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc hợp nhất này cần phải được nghiên cứu phù hợp với Hiến pháp. |