Bộ Tài chính lý giải vì sao chi đầu tư ngày càng ít

23/10/2014 08:58 AM

Trong khi ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về chi đầu tư phát triển ngày càng ít, ảnh hưởng đến năng lực trả nợ thì Bộ Tài chính giải thích lý do các khoản chi khác cũng đang gây áp lực.

Trong báo cáo thẩm định về Luật ngân sách nhà nước sửa đổi, Bộ Tư pháp đưa ra quan điểm: "Giành toàn bộ số bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), tiền thu về sử dụng đất và một phần tiền thu về tài nguyên cho đầu tư phát triển" (khoản 2, Điều 7). Bộ Tư pháp cho rằng, quy định như vậy sẽ bảo đảm cân đối chi NSNN một cách tích cực.

Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình về đề xuất trên của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính không đồng ý.

“Việc đặt vấn đề đưa nguyên tắc tính đầu tư bằng bội chi cộng với một số khoản thu khác vào Luật NSNN (sửa đổi) là không phù hợp”, Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ Tài chính cho rằng, ở mỗi thời kỳ, mỗi năm cụ thể, nguyên tắc và thứ tự ưu tiên  phải được xem xét cụ thể, phù hợp với mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước. Bộ này trích các nghị quyết của Đảng và Quốc hội cho lập luận của mình.

Thời gian vừa qua Trung ương cũng có nhiều kết luận và nghị quyết về chính sách xã hội, cải cách tiền lương, y tế, giáo dục-đào tạo, đảm bảo quốc phòng, an ninh...; các nghị quyết này đều yêu cầu phải đảm bảo dành tỷ lệ NSNN hoặc ưu tiên bố trí NSNN cho các nội dung này.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có những nghị quyết yêu cầu ràng buộc về bố trí NSNN, như các Nghị quyết yêu cầu bố trí 20% NSNN cho giáo dục - đào tạo, 2% NSNN cho KH-CN, bố trí tốc độ tăng dự toán chi cho lĩnh vực y tế không thấp hơn tốc độ tăng chi NSNN nói chung,…

Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua việc mở rộng chính sách an sinh xã hội như vậy đã khiến nhu cầu chi tăng nhanh (riêng chi cho an sinh xã hội tăng trên 30%/năm); đồng thời do tăng vay cho bù đắp bội chi và trái phiếu Chính phủ, nên nhu cầu trả nợ có xu hướng tăng nhanh (năm 2011 vay 162.000 tỉ đồng, năm 2012 vay 250.000 tỉ đồng; năm 2013 khoảng 320.000 tỉ đồng; năm 2014 vay xấp xỉ 400.000 tỉ đồng. Chính vì vậy, năm 2013 và 2014 đã phải vay đảo nợ do bố trí mức chi trả nợ thấp hơn yêu cầu thực tế). Thực tế này đòi hỏi phải điều chỉnh lại cơ cấu lại chi NSNN, tiết kiệm, cắt giảm cả chi đầu tư và chi thường xuyên ngoài lương.

Với việc điều chỉnh phạm vi NSNN theo dự thảo Luật NSNN, các khoản thu xổ số kiến thiết, trái phiếu Chính phủ, các khoản vay (kể cả vay trong nước và vay ngoài nước dưới hình thức ODA hay các dạng vay khác, trừ vay về cho vay lại) được phản ánh, thể hiện trong cân đối NSNN. Phần bội chi NSNN (nếu có) là kết quả cân đối thu-chi trên cơ sở đã bao gồm các khoản thu nói trên. 

Với những lập luận trên, Bộ Tài chính khẳng định: “Vì vậy, việc đặt vấn đề đưa nguyên tắc tính đầu tư bằng bội chi cộng với một số khoản thu khác vào Luật NSNN (sửa đổi) là không phù hợp.”

Theo Bộ Tài chính, trong dự toán NSNN mấy năm qua, khi bố trí dự toán và trong điều hành NSNN đã phải ưu tiên bố trí chi đầu tư, buộc phải để lại nhiều khoản nợ của ngân sách trung ương chưa xử lý, như nợ ứng chi (đến cuối năm 2013 khoảng 93.000 tỉ đồng, số bố trí để thu hồi hàng năm rất thấp, ảnh hưởng lớn đến cân đối quỹ ngân sách; thực tế là NSNN phải đi vay và trả lãi để đảm bảo nguồn ứng vốn), đó là chưa kể các khoản nợ quỹ hoàn thuế GTGT (hết năm 2013 là 33.500 tỉ đồng) và nợ cấp bù chênh lệch lãi suất (khoảng 12.000 tỉ đồng),…

Bộ này cho rằng, cần phải lập lại trật tự bố trí dự toán vốn đầu tư phát triển đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của NSNN và an ninh tài chính quốc gia, tránh gánh nặng cho những năm sau.

Chưa rõ liệu quan điểm này của Bộ Tài chính có được chấp nhận hay không khi Quốc hội sẽ xem xét dự thảo luật trong thời gian tới.

Lý giải của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đã gần chạm ngưỡng an toàn 65% GDP.

Chi ngân sách nhà nước đang có cơ cấu rất xấu. Trong năm nay, khoảng 72% được chi thường xuyên, 26% chi trả nợ, và phần nhỏ còn lại là cho đầu tư phát triển.

Tư Hoàng

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,958

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]