Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, qua 15 năm thi hành, luật Báo chí đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn - Ảnh: Trường Sơn
Trình bày tham luận tổng kết 15 năm thi hành luật báo chí 1989; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí năm 1999, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến luật Báo chí được thực hiện sâu rộng với nhiều hình thức khác nhau, tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc thi hành luật Báo chí trên thực tế vẫn còn những hạn chế. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí có người quá khích còn hành hung nhà báo.
Báo cáo tổng kết của Bộ Tthông tin - Truyền thông cũng nêu tình trạng bất cập liên quan đến các quy định về trách nhiệm trả lời trên báo chí của các cơ quan chức năng, người có chức vụ. Mặc dù Nghị định 51 của Chính phủ ban hành năm 2002 đã có quy định trách nhiệm trả lời chậm nhất trong 30 ngày khi nhận được ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo... của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát, nhưng việc chấp hành quy định này rất hạn chế.
Báo cáo cho biết giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho thấy, việc trả lời trên báo chí của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, chỉ khoảng 30% tổng số đơn thư do Đài Truyền hình TP.HCM chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý, của Báo Thanh Niên là 27,8%, Báo Pháp luật TP.HCM là 25%, Báo Tuổi trẻ là 22%.
Bên cạnh đó, theo Bộ Thông tin - Truyền thông, một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội có quá nhiều cơ quan báo chí, dẫn đến việc hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực. Điển hình như Hà Nội (13 báo, 1 đài, 11 tạp chí), TP.HCM (16 báo, 2 đài, 21 tạp chí), đa số các sở ngành đều có báo.
Một số bộ, ngành có nhiều báo và tạp chí như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (3 báo, 11 tạp chí), Bộ Quốc phòng (12 báo, 40 tạp chí), Bộ Công an (6 báo, 8 tạp chí), Bộ Y tế (2 báo, 15 tạp chí)....
Tình trạng không thống nhất về mô hình tổ chức và chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong hệ thống phát thanh, truyền hình trên phạm vi toàn quốc cũng là một vấn đề đang nổi lên.
Ngoài Đài Truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN ở mỗi tỉnh, thành thuộc T.Ư đều có 1 đài phát thanh, truyền hình với hạ tầng riêng. Trong khi đó năng lực thực tế của đa số các đài địa phương chỉ sản xuất 1-2 giờ/ngày chương trình tin tức địa phương, còn chủ yếu là tiếp sóng đài T.Ư và chiếu phim, giải trí gây lãng phí...
Trường Sơn