>> Tiền lương được quan tâm đặc biệt
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đọc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ luật Lao động (sửa đổi) áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: người lao động Việt Nam (bao gồm người làm việc theo theo hợp đồng lao động; người học nghề, tập nghề, người giúp việc gia đình và một số loại lao động khác); người sử dụng lao động; người nước ngoài làm việc cho các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác).
Công nhân ngành dệt may thường phải tăng ca để hoàn thành đơn hàng đúng hạn. Ảnh: Cao Thăng |
Bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã nhấn mạnh một số vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thỏa ước lao động tập thể ngành; về giờ làm thêm; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu; giải quyết tranh chấp lao động.
Về giờ làm thêm, dự thảo quy định theo hướng người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ một số điều kiện, nhưng số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người lao động phải được bố trí nghỉ bù.
Dung hòa giữa 2 loại ý kiến về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Chính phủ đề nghị chọn phương án tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng hiện hành lên 6 tháng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca; nữ quân nhân, nữ công an nhân dân…
Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng khẳng định, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về dự thảo Bộ luật Lao động nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật.
Liên quan đến các nội dung cụ thể trong dự thảo Bộ luật Lao động, Báo cáo cho rằng, cần bổ sung quy định cơ cấu cụ thể của tiền lương cũng như quy định căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động. Đồng thời, cần làm rõ phạm vi tham gia của Nhà nước đối với vấn đề tiền lương. Báo cáo đặt câu hỏi: “Dự án Bộ luật Lao động vẫn giữ lại quy định về thang lương, bảng lương nhưng bỏ quy định đăng ký mà chỉ sao gửi đến các cơ quan tổ chức liên quan… Cần phải xem xét có cần thiết tiếp tục giữ quy định này không, quy định này mang lại lợi ích thiết thực gì cho người lao động”?
Cơ bản thống nhất với quan điểm của Chính phủ về thời gian làm thêm, song Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội yêu cầu bổ sung giới hạn “chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành nghề cụ thể; theo độ tuổi nhất định; có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ”…
Về thời gian nghỉ thai sản, Thường trực Ủy ban này cho rằng, nên quy định linh hoạt bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, Hiến pháp tới đây sẽ được sửa đổi, trong đó có nhiều vấn đề về quyền và nghĩa vụ công dân liên quan đến người lao động, do đó, cần nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Lao động với Hiến pháp.
Về thỏa ước lao động, ông Phan Trung Lý cho biết, các nước thường có thỏa ước mẫu, các doanh nghiệp căn cứ vào đó để lập thỏa ước phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. “Không nên có thỏa ước áp dụng chung cho cả một ngành, vì mỗi doanh nghiệp vẫn có những đặc thù khác nhau”, ông nói. Ông Phan Trung Lý cho rằng, không nên quy định tăng giờ làm thêm, hạn chế việc sử dụng lao động tùy tiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành quan điểm của ông Phan Trung Lý về thỏa ước lao động tập thể mẫu. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển đồng tình “nới” rộng thời gian làm việc ngoài giờ. Liên quan đến Quỹ quốc gia về việc làm, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ nguyên tắc xây dựng, sử dụng quỹ để không trùng lắp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm… “Cứ sinh ra một quỹ là nảy sinh rất nhiều vấn đề”, ông bình luận.
|
Một trong những nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến liên quan đến vấn đề tài chính công đoàn. Theo dự thảo Luật, một trong những nguồn thu hình thành tài chính công đoàn là “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”.
Bàn về vấn đề này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi: “Căn cứ nào để quy định mức đóng kinh phí là 2% quỹ lương? Mức đóng góp đó nếu thu đủ thì tổng thu được bao nhiêu, dự toán chi thế nào”? Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, việc bảo đảm kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đối với các đơn vị hưởng lương từ ngân sách thì việc trích nộp 2% quỹ lương thực chất là ngân sách nhà nước phân bổ cho cơ quan, đơn vị nộp cho công đoàn và như vậy là không đúng với quy định hiện hành về lập dự toán thu, chi, quyết toán ngân sách nhà nước. Đối với đơn vị không sử dụng quỹ lương từ ngân sách nhà nước thì việc trích nộp như trên làm gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi lại không xác định rõ việc nộp khoản kinh phí này cho công đoàn để làm nghĩa vụ gì; từ đó dễ dẫn đến những “rào cản” đối với việc thành lập và hoạt động của công đoàn.
Bên cạnh đó, xét trên bình diện chung, ngoài khoản kinh phí được ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, các tổ chức chính trị - xã hội khác không có khoản thu như nêu trên, đó là chưa kể công đoàn còn có các nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, kinh tế của công đoàn… Do vậy, ông Lý cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị: để đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước cũng như sự bình đẳng với các tổ chức chính trị xã hội khác, Luật Công đoàn chỉ nên quy định kinh phí hoạt động của công đoàn do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, một nội dung rất quan trọng mà dự thảo Luật cần làm rõ là quyền lợi của người lao động khi tham gia tổ chức công đoàn. “Dự thảo Luật nêu rất chi tiết quyền của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn các cấp nhưng quyền của người lao động, quyền của doanh nghiệp sử dụng lao động cũng chưa rõ”, ông Hiển nhận xét.
Ủng hộ việc củng cố tài chính công đoàn, ông Phùng Quốc Hiển không bác chuyện đóng góp cho quỹ công đoàn, nhưng yêu cầu Ban soạn thảo có cách lý giải hợp lý. “Trước đây trích 2% quỹ lương vì tất cả cùng là tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, cùng từ ngân sách nhà nước, nhưng bây giờ thực hiện kinh tế thị trường thì phải tính lại, nếu không doanh nghiệp sẽ hiểu đây là một dạng thuế. Tôi cũng rất băn khoăn chuyện này mà chưa nghĩ ra cách gỡ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách giải thích.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chia sẻ: “Công đoàn không thể không có tài chính mạnh. Thậm chí cán bộ công đoàn chuyên trách phải do công đoàn trả lương thì mới có thể đấu tranh được với chủ sử dụng lao động. Nhưng lý giải như dự thảo Luật thì đúng là chưa ổn”.
Trên thực tế, việc trích 2% quỹ lương thực trả cho quỹ công đoàn hiện đang được thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam. Tỷ lệ này áp dụng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 1%.