Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Thưa Bộ trưởng, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 tới. Trong Luật có những điểm đổi mới nổi bật, mang lại nhiều quyền lợi đối với người dân như: Bỏ chế độ đồng chi trả cho người nghèo, thông tuyến kỹ thuật đối với các tuyến xã, huyện và BHYT sẽ là bắt buộc. Vậy, Bộ Y tế đã chuẩn bị như thế nào để triển khai Luật này hiệu quả, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để triển khai Luật này, các văn bản dưới Luật đã được Bộ ban hành đầy đủ (gồm 1 Nghị định và 2 Thông tư) và đang trong giai đoạn triển khai tập huấn. Bộ đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), Bộ Tài chính và các địa phương tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng làm công tác quản lý, các cấp ủy chính quyền, người dân và vận động thêm sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể.
Bộ đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị thực hiện Luật này tại một số địa phương. Thời gian tới, Bộ sẽ kiểm tra 20 tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tập trung vào 10 tỉnh có tỷ lệ người dân tham gia BHYT dưới 60%. Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác BHYT để tiến tới lộ trình BHYT toàn dân.
Luật BHYT sửa đổi lần này tương đối hội nhập với quốc tế và có nhiều điểm đột phá. Trước tiên, đó là BHYT bắt buộc. Đây là một nỗ lực chính trị rất lớn để tiến tới BHYT toàn dân. Thứ 2 là tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu trong gia đình càng có nhiều người tham gia thì mức đóng mua thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình sẽ càng giảm. Thứ 3 là tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, tập trung vào đối tượng như: Người nghèo (hưởng 100%); những người có công, cha mẹ ruột, vợ hoặc con của liệt sĩ… cũng không phải đồng chi trả và giảm đồng chi trả đối với người cận nghèo từ 20% xuống còn 5%.
Cũng theo Luật này, những trường hợp tai nạn thương tích, tử tự, tai nạn giao thông cũng được bảo hiểm thanh toán.
Điểm mới nữa là phần kết dư của Quỹ BHYT tại các địa phương được dùng 20% trong số đó để phát triển BHYT và tăng chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương.
Để thu hút người dân tham gia BHYT thì ngành Y tế đã nỗ lực cùng chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm bớt thủ tục hành chính và làm tăng sự hài lòng của người dân. Nhờ vậy người dân mới "mặn mà" tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, vấn đề giảm tải bệnh viện cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân thực kê khoảng 28.4, tăng so với năm 2012 chỉ là 24.4 giường bệnh/10.000 dân.
Tới đây, Bộ cũng sẽ công bố những bệnh viện trực thuộc TW không còn nằm ghép. Hiện nay đã có một số bệnh viện tuyến TW không còn tình trạng nằm ghép như: Bệnh viên nhi TW, Bệnh viện Lão khoa, Tai mũi họng TW, Bệnh viện Mắt TW, Bệnh viên Răng hàm mặt, Bệnh viện K cơ sở 2. Từ tháng 5/2015, bệnh viện K cơ sở 1 và 2 sẽ không còn tình trạng nằm ghép. Ngoài ra cần phải đảm bảo giảm hẳn tỷ lệ nằm ghép tại cơ sở 3. Cùng với đó là một số bệnh viện sẽ được xây dựng hoàn chỉnh trong thời gian tới, nên vấn đề nằm ghép, quá tải bệnh viện sẽ được cải thiện từng bước và rõ rệt trong những năm tới.
Ngoài ra, Bộ cũng giảm bớt thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh cho người dân. Một lần khám bệnh trung bình của người dân hiện nay đã giảm 50 phút so với trước đây.
Bên cạnh đó, để tăng độ hài lòng của người bệnh và giải đáp những thắc mắc, than phiền của người dân, Bộ đã thành lập đường dây nóng trên toàn quốc để người dân phản ánh. Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng như ngành Y tế các cấp đã xử lý nghiêm, triệt để những sai phạm về thái độ và ứng xử đạo đức nghề nghiệp.
Đến nay, đã xử lý gần 150 cán bộ y tế với nhiều hình thức như cảnh cáo, khiển trách, chuyển công tác, thậm chí cách thức, buộc thôi việc. Công tác này sẽ tiến tới làm rất nghiêm và loại trừ những cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để tiến tới làm hài lòng hơn người dân. Điều này sẽ thu hút thêm người dân tham gia BHYT.
Tăng đoàn thanh, kiểm tra và xử phạt nặng các vi phạm về ATTP
Tết nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, lượng tiêu thụ sản phẩm chắc chắn sẽ tăng cao. Nhiều người dân gửi câu hỏi về Chương trình với tâm lý lo lắng trước tình trạng thực phẩm mất an toàn hiện nay. Vậy Bộ Y tế đã có biện pháp chỉ đạo như thế nào để kiểm soát tình hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cũng như các địa phương đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết này.
Theo đó, Ban chỉ đạo và các địa phương đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn cho các đối tượng như những người sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm để họ hiểu và tuân thủ các quy định, vì sức khỏe của người dân là thượng tôn. Có như vậy thì vấn đề kinh doanh, sản xuất của họ mới tồn tại bền vững trên thị trường.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn kiểm tra từ TW đến tuyến xã để kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm và tăng cường xử phạt nặng các trường hợp vi phạm.
Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, mức phạt hành chính cao nhất hiện nay lên tới 100-200 triệu đồng, số tiền phạt có thể gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm... Đồng thời Bộ sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất, tên sản phẩm vi phạm để người dân không sử dụng các sản phẩm đó hoặc rút giấy phép lưu hành sản phẩm.
Những giải pháp này sẽ làm những người sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó, người dân cũng nên chọn những sản phẩm có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ, có bao bì dãn nhãn rõ ràng, không nên mua những sản phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc vì giá rẻ…
Một số người dân vẫn băn khoăn rằng, Bộ Y tế đã lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra vấn đề ATTP rất quyết liệt từ mấy năm trước. Tuy nhiên, tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn tiếp diễn, dẫn tới nguy cơ ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Vậy năm nay Bộ trưởng đã có chỉ đạo gì mạnh tay và quyết liệt nhất để công tác thanh kiểm tra trong dịp Tết này đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi nghĩ những lo lắng của người dân hết sức là chính đáng.
Ngay sau khi Ban chỉ đạo quốc gia về ATTP họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đã thông qua các chương trình, hoạt động đảm bảo ATTP trong dịp Tết này.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh kiểm tra, tăng số mẫu kiểm tra lên 10% so với năm trước và kiên quyết xử phạt nghiêm, bao gồm cả những sai phạm ở tuyến xã.
Mặt khác, Bộ cũng sẽ tăng cường số đoàn thanh tra, kiểm tra, nhất là tại những tỉnh, thành phố lớn và những tỉnh biên giới có số lượng thực phẩm nhập khẩu lớn. Đồng thời tuyên truyền để người dân chọn những thực phẩm có nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác và mua ở những địa chỉ tin cậy, không mua hàng trôi nổi dù giá rẻ.
Về lâu dài, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án về tăng cường năng lực thanh tra ngành Y tế, đặc biệt là thanh tra về ATTP với việc sử dụng cộng tác viên thanh tra từ tuyến xã để tránh phình đội ngũ công chức, viên chức mà vẫn tăng cường được lực lượng thanh tra trong vấn đề ATTP.
Nhân dịp năm mới đang đến gần, Bộ trưởng có lời nhắn nhủ gì đến người dân?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi luôn mong muốn nhiều nhất là người dân có sức khỏe dồi dào, được hưởng kỳ nghỉ Tết an toàn, đặc biệt là về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành Y tế mong muốn người dân cùng đồng lòng với ngành để ngành cố gắng hơn nữa, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe của người dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Thúy Hà