Tàu lặn Trung Quốc có người lái
mang tên Giao Long tự phá kỷ lục khi hoàn thành sứ mệnh lặn sâu hơn 5.000m dưới mực nước biển. Nó đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ năm, sau Mỹ, Pháp,
Nga và Nhật sở hữu công nghệ siêu tàu lặn có người lái ở độ sâu hơn 3.500m dưới
mực nước biển.
Khả năng công nghệ của Trung Quốc đã được tăng tốc trong những thập niên gần đây. Siêu tàu lặn mang tên Giao Long được thiết kế đạt độ lặn sâu tối đa 7.000m, đã hoàn thành 17 lần lặn ở Biển Đông từ 31/5 - 18/6 trong năm ngoái, với lần sâu nhất đạt 3.759m, cùng với ba thành viên thủy thủ đoàn.
Thứ năm tuần trước, Giao Long với
ba thành viên thủy thủ đoàn đã lặn sâu được 4.027m dưới mực nước biển. Các quan chức Trung Quốc từ
chối cung cấp chi tiết về địa điểm tàu này hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Họ chỉ nói thử nghiệm tàu lặn ở một “khu vực quốc tế” thuộc Thái Bình Dương.
Theo Tô Tế Nam, thiết kế trưởng con tàu, Giao Long là tàu có người lái đầu tiên của thế giới được thiết kế lặn ở độ sâu 7.000m dưới mực nước biển và có thể được sử dụng ở 99,8% các đại dương của thế giới.
Giới chức Trung Quốc cho hay, Giao Long, dài 8,2m, nặng gần 22 tấn, được xem là tàu lặn biển duy nhất trên thế giới, xét về mặt lý thuyết, có thể đạt được đến độ sâu 7.000m. Tàu Shinkai 6500 của Nhật Bản có khả năng đạt được độ sâu 6.500m.
Trung Quốc bắt đầu phát triển tàu lặn Giao Long từ năm 2002. Tàu lặn sâu và tàu mẹ của nó đã được hoàn thành 6 năm sau đó, với sự tham gia góp sức của khoảng 100 viện nghiên cứu và công ty khắp đất nước.
Theo giới phân tích, cơn khát tài nguyên của Trung Quốc cùng với sự gia tăng nhanh chóng các khả năng quân sự, quả quyết, thậm chí là gây hấn hơn trong tuyên bố chủ quyền ở đại dương đã gây ra nhiều quan ngại với cộng đồng quốc tế.
Năm ngoái, trong một lần lặn sâu ở đáy Biển Đông - vùng biển có nhiều tranh chấp - tàu Trung Quốc đã cắm cờ của họ ở đáy biển và nhiều người coi đó là một hành động khiêu khích. Biển Đông được coi là khu vực giàu tài nguyên dầu khí, là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Trong đó, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất - thông qua bản đồ hình chữ U - gần như bao trùm toàn bộ vùng biển.
Các nhà khoa học cho rằng, các đáy đại dương rất giàu trầm tích. Nhưng một số người cũng lo ngại về việc các tàu lặn sâu có thể được sử dụng để xâm nhập hoặc ngăn chặn cáp thông tin.
Được biết, tàu lặn Trung Quốc đặt ra mục tiêu hoàn thành việc chinh phục độ sâu 7.000m dưới mực nước biển vào năm 2012.
Thái An (Theo dailymail)