Sau Tết, 63 tỉnh, thành đều đổi GPLX qua mạng

15/02/2015 13:44 PM

Sau thời gian thí điểm, Tổng cục Đường bộ VN sẽ triển khai rộng rãi việc cấp đổi GPLX qua mạng cho các sở GTVT, áp dụng chung trong cả nước vào quý I/2015.

Tới ngày hẹn, người dân chỉ việc đến chụp ảnh, làm một số thủ tục và lấy GPLX. Ảnh: Tiến Mạnh

Người dân hài lòng

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, riêng với những hồ sơ lái xe có dữ liệu tại Tổng cục Đường bộ VN đã có 602 hồ sơ đăng ký ngay trong tháng đầu thí điểm (1/12 đến 30/12/2014).

Người đầu tiên đổi được GPLX qua mạng là anh Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Thủ tục đổi rất nhanh và dễ dàng. Chiều hôm trước tôi lên mạng đăng ký, khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu, nhận được mã hẹn. 8h sáng hôm sau tôi mang mã hẹn đến Tổng cục Đường bộ VN, chưa đầy 5 phút đã xong thủ tục và chụp ảnh, 10h sáng quay lại nhận GPLX mới. Giấy tờ kèm theo chỉ có giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân (CMND) và GPLX cũ.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, với cách làm này, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian đi lại (trước phải hai lần, nay chỉ còn một lần), đơn vị đổi GPLX có thể chủ động được số lượng người đến thông qua lịch hẹn. Do đó, người đến đổi sẽ không phải đợi, thậm chí không còn trường hợp đến mà không làm được.

Thời gian qua mới chạy thử nghiệm, áp dụng cho những người có GPLX do Tổng cục Đường bộ VN cấp và những người có dữ liệu trong hệ thống của Tổng cục nên số người đến đổi GPLX chưa nhiều. Hiện hệ thống máy chủ và phần mềm đang được đầu tư, hoàn thiện. Trong quý I này sẽ chuyển giao cho các Sở GTVT áp dụng trên toàn quốc. Giai đoạn chạy thử nghiệm sẽ không thu bất kỳ loại phí nào phát sinh ngoài lệ phí đổi GPLX theo quy định của Bộ Tài chính là 135 nghìn đồng.

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, trang web http://dichvucong.gplx.gov.vn cho phép thực hiện việc khai báo thông tin đổi GPLX qua mạng trong những ngày qua chưa xảy ra tình trạng bị nghẽn hay bị “treo” khiến người dân không thể vào đăng ký được. Khi khai báo thành công, người đăng ký sẽ nhận được điện thoại, tin nhắn, thư điện tử để hẹn ngày, giờ đến làm thủ tục.

Cùng với cấp GPLX qua mạng điện tử, người dân có nhu cầu đổi GPLX còn có thể đến đổi ở bất cứ cơ sở nào, địa phương nào thuận lợi cho việc công tác học tập của mình. GPLX mới bằng vật liệu PET có độ bền, độ bảo mật cao và thông tin được lưu giữ tại Trung tâm dữ liệu GPLX của Tổng cục Đường bộ VN, phục vụ người dân, DN và các cơ quan chức năng cần truy cập.

Người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX sẽ đăng ký, gửi các thông tin và nhận được lịch hẹn của cơ quan cấp đổi GPLX qua mạng điện tử

Đáp ứng nhu cầu lấy GPLX phân khối lớn

Việc mở rộng hoàn toàn đối với đào tạo, cấp GPLX hạng A2 bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2014 được người dân chào đón và cho rằng đây chính là cách hữu hiệu làm giảm tối đa tiêu cực lâu nay.

Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và Người lái Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc sửa đổi các quy định pháp lý, không còn hạn chế về đối tượng được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu. Việc làm này chắc chắn giảm thiểu tối đa tiêu cực.

Theo quy định mới của Bộ GTVT, người từ 18 tuổi trở lên, có nhu cầu đều có thể dự thi. Đây là thay đổi so với quy định trước đây, chỉ cấp GPLX hạng A2 cho 7 đối tượng gồm: Công an, Quân đội, Thanh tra Giao thông, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, sát hạch viên, vận động viên môtô.

Cũng theo ông Quân, từ giữa tháng 2/2014, để chuẩn bị cho việc mở rộng đối tượng được thi và cấp GPLX hạng A2, Tổng cục đã tổ chức hai lớp tập huấn cho các giáo viên, sát hạch viên tại Bắc Ninh và TP HCM với sự tham dự của đầy đủ 63 tỉnh, thành trên cả nước với gần 400 giáo viên và 250 sát hạch viên A2.

Anh Hoàng Quang Ngọc - Thành viên Câu lạc bộ mô tô Hà Nội cho biết: “Luyện tay nghề lái xe A2 một cách nghiêm túc không có gì khó, không khác nhiều lắm so với lái xe thông thường. Các cơ sở đào tạo thu dưới 2 triệu đồng/khóa đào tạo cũng rất dễ chịu so với trước đây phải tốn kém rất nhiều mới có được cái bằng A2. Thi thực hành và lý thuyết luôn tại Trung tâm sát hạch lái xe, 15 ngày sau lấy bằng. Đặc biệt, nay Nhà nước đã không hạn chế đối tượng được có bằng A2, đồng thời sát hạch chặt như vậy, chắc không còn tiêu cực nữa.

Xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe

Hơn 10 năm qua, Bộ GTVT đã đi rất đúng hướng trong việc thực hiện xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng hiện đại, hội nhập và minh bạch, đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của xã hội về đào tạo nghề lái xe.

Từ năm 2004 - 2010, nhu cầu đào tạo lái xe ô tô tăng 25 - 37% /năm, năng lực đào tạo, sát hạch trong cả nước được đầu tư xã hội hóa mạnh mẽ. Nay với 316 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và máy kéo, 96 trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư, hoạt động theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành và quốc gia, phân bố tương đối đều khắp trên cả nước. Một năm có thể đáp ứng đào tạo sát hạch được 550.000 người. Trên 50% số này là đầu tư của tư nhân.

Yêu cầu hiện đại hóa, hội nhập và minh bạch được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Từ năm 2007 đến nay, toàn bộ công tác sát hạch lái xe được thực hiện tại các Trung tâm sát hạch hiện đại, với phần thi lý thuyết và thực hành 10 bài đi trong hình được chấm điểm tự động hóa, góp phần nâng cao chất lượng sát hạch và hạn chế các biểu hiện tiêu cực.

Ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho rằng, Bộ GTVT đã đi rất sớm và đúng hướng trong vấn đề này. Cầu hiện rất lớn, trong khi chính sách của Nhà nước là giảm đầu tư công, do đó cần tiếp tục định hướng rõ trong chính sách, đẩy mạnh quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa, để hướng tới xã hội hóa 100% đầu tư lĩnh vực này.

Đầu năm 2015 cấp GPLX quốc tế

Việc cấp GPLX quốc tế cho người dân có nhu cầu đi học tập, công tác ở nước ngoài và công nhận GPLX quốc tế của người nước ngoài đến VN được Tổng cục Đường bộ VN tích cực triển khai, thực hiện ngay đầu năm 2015 này. Việc này được tiến hành do đơn xin gia nhập công ước Vienna của VN cuối năm 2014 vừa qua đã được chấp thuận. GPLX quốc tế này được cấp song song với GPLX trong nước cho người có nhu cầu. Người Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập có GPLX quốc tế được quyền điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tương đương với hạng GPLX quốc tế được cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, với sự kiện này, VN đã hội nhập hoàn toàn về GPLX với thế giới. Trước đây, GPLX quốc tế chưa được sử dụng ở VN. Người VN ra nước ngoài phải đổi ngang sang GPLX của nước sở tại và tương tự, người nước ngoài vào VN phải đổi sang GPLX tương đương để điều khiển phương tiện cơ giới trên lãnh thổ VN.

Phương Dung

Theo Báo Giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,882

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]