Dự án hầm Đèo Cả được thi công 24/24h
Hiệu ứng từ tư duy trải “thảm xanh”
Tại một cuộc hội thảo về thu hút vốn xã hội hóa cho hạ tầng giao thông, ông có nói đến việc Bộ GTVT đang trải “thảm xanh” giúp nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tăng mạnh. Ông có thể “bật mí” thêm về điều này, “thảm xanh” có khác gì “thảm đỏ” như nhiều người ví von?
Từ khi chương trình kêu gọi đầu tư nguồn vốn xã hội hóa hạ tầng giao thông mà Bộ trưởng Đinh La Thăng phát động và triển khai mạnh mẽ thì các cơ quan chức năng của Bộ GTVT có các động thái, cách thức làm việc thân thiện hơn, gần gũi hơn với các nhà đầu tư. Các cơ quan của Bộ GTVT tích cực chia sẻ công việc, trách nhiệm, còn địa phương cũng lăn xả trong công tác giải phóng mặt bằng.
Rõ ràng ở vai trò kêu gọi đầu tư, Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ đã làm tốt, rất có trách nhiệm. Đó chính là cách trải “thảm xanh” của Bộ GTVT. Nếu không có cơ chế trải “thảm xanh” đó thì trong thời gian ngắn sẽ không thể có được hàng chục dự án xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông với số vốn kêu gọi khủng lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng như vậy.
Lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng coi việc thu hút vốn ngoài ngân sách là cơ hội có một không hai và tìm mọi cách tháo gỡ tối đa về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhiều dự án còn khởi công trước khi có giấy phép đầu tư.
Trước kia, nhiều nơi cũng được cho là trải “thảm đỏ” kêu gọi nhà đầu tư. Thế nhưng, khi nhà đầu tư thực hiện, muốn giải quyết việc gì cũng gặp nhiều chông gai. Nhiều khi đến làm việc với cơ quan Nhà nước không biết chỗ nào tiếp mình, ai tháo gỡ được cho mình. Nếu là “thảm đỏ” nghĩa là mọi thứ đã chuẩn chỉ, chẳng có gì vướng mắc cả. Thực tế hành lang pháp lý của chúng ta chưa thực sự hoàn thiện, nhiều quy định còn khập khiễng. Hiểu biết về chuyên ngành Giao thông của nhiều nhà đầu tư cũng chưa đầy đủ. Họ chỉ có vốn, kinh nghiệm quản lý kinh doanh, nên nói “thảm đỏ” cũng chỉ cho đẹp, cho sang trọng thôi.
Nhưng bây giờ nhiều thứ đã thay đổi, không phải chỉ ở dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, mà nhiều dự án khác đều triển khai thuận lợi. Đó chính là tư duy trải “thảm xanh”, để giữa cơ quan kêu gọi đầu tư, quản lý Nhà nước và nhà đầu tư gần nhau hơn, thân thiện hợp tác với nhau, đúng như cơ chế hợp tác công - tư mà chúng ta đang thực hiện. Nếu không có tư duy, cơ chế trải “thảm xanh”, trong thời gian ngắn như vừa qua không thể có được hàng loạt dự án như thế.
Bình ổn giá, các bên đều có lợi
Dự án hầm Đèo Cả có quy mô rất lớn, kỹ thuật phức tạp, nhưng cả nguồn vốn và nhà thầu thi công đều là trong nước. Chủ đầu tư điều tiết thế nào để đảm bảo quá trình vận hành dự án diễn ra suôn sẻ?
Chúng tôi ưu tiên sử dụng những người tâm huyết và có đủ năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm trong bộ máy điều hành dự án, phát huy tri thức của đội ngũ kỹ sư trẻ ở khắp mọi miền đất nước, đồng tời có chính sách phân bổ nguồn nhân lực hợp lý. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ưu tiên mời những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về điều hành dự án hầm đường bộ như: Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, nguyên Giám đốc điều hành dự án hầm Hải Vân; GS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình xây dựng…
Yếu tố quan trọng khác là dự án có sự tham gia của các nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài có uy tín, từng thực hiện các dự án hầm đường bộ lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Hơn nữa, quá trình triển khai dự án có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Cứ nửa tháng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông của Bộ GTVT lại họp giao ban một lần. Còn Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình trọng điểm cũng giao ban một tháng một lần. Vì vậy, những vấn đề về chất lượng, tiến độ của dự án luôn được xử lý kịp thời, triệt để.
Về nguồn vốn, chủ đầu tư và ngân hàng phối hợp chặt chẽ với nhau để bình ổn giá, cùng kiểm soát để dòng tiền, dòng vốn luôn được sử dụng đúng mục đích. Ngân hàng tài trợ vốn cho dự án là Vietinbank đã phát huy thế mạnh, vai trò của mình trong kiểm soát dòng tiền. Nhà đầu tư yêu cầu bên cho vay tín dụng không phát hành bảo lãnh và các khoản tạm ứng thanh toán cho nhà thầu để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến dự án. Bên phát hành bảo lãnh thanh toán được chọn từ tổ chức Ngân hàng khác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhà đầu tư, về khối lượng thanh toán tương đồng với khoản tiền bảo lãnh đảm bảo đồng tiền đi vào dự án. Nói cách khác là trong dự án này không chỉ có tư vấn giám sát về chất lượng, tiến độ thi công mà còn có cả tư vấn phát hành bảo lãnh, thanh toán tiền, giám sát tiền.
Từ việc tối ưu các phương án thiết kế, thi công, quy trình quản lý, dự án đã tiết giảm được hơn 3 nghìn tỷ đồng. Số tiền này đã được Bộ GTVT cho phép Công ty CP đầu tư Đèo Cả dùng để đầu tư vào dự án đèo Cù Mông.
Ông từng nói đến tính cấp thiết của việc bình ổn giá cho dự án, vậy cụ thể bình ổn giá tại dự án này được triển khai thế nào?
Khi duyệt dự án, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng duyệt tổng mức đầu tư rồi, nên nếu để giá nguyên vật liệu tăng hơn 10% thì chắc chắn dự án sẽ phá sản ngay. Thế nên phải bình ổn giá, bằng những việc làm cụ thể như chủ động cho việc chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu cát, đá, sắt, thép,… đồng thời tiến hành các bước thỏa thuận bốn bên: Nhà đầu tư, nhà cung cấp tín dụng , nhà thầu và nhà sản xuất để thống nhất bình ổn giá trong suốt quá trình thực hiện dự án. Bình ổn giá cũng nằm trong bài toán điều hành tổng thể thôi. Chủ đầu tư mua vật liệu từ trực tiếp nhà xuất trong nước, không qua khâu trung gian, yêu cầu nhà cung cấp trong nước và nhà nhập khẩu họ giữ giá.
Đổi lại, nhà đầu tư đứng ra làm trung gian để vay hộ tiền từ ngân hàng Vietinbank cho nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu. Điều này cũng giúp các bên đều lợi, doanh nghiệp cung cấp vật liệu được vay vốn, tiêu thụ được tốt sản phẩm, ngân hàng kiểm soát được nợ và không phát sinh các khâu trung gian. Nhà thầu mua được nguyên vật liệu với giá rẻ nhất. Còn nhà đầu tư kiểm soát được giá, đảm bảo tổng mức đầu tư không tăng.
Cảm ơn ông!
Ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả: Dự án lớn và quan trọng nhất trên tuyến QL1 Trên tuyến giao thông huyết mạch QL1, đoạn qua Đèo Cả nằm giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa có địa hình núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp với bán kính cong nhỏ và độ dốc lớn, nguy cơ mất ATGT ở mức độ cao cho các phương tiện lưu thông, đặc biệt là các xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng. Khu vực đường đèo này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do đất đá trên đèo bị sụt lở. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ giảm thiểu TNGT, nâng cao hiệu quả khai thác của QL1, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển các trung tâm kinh tế, công nghiệp và du lịch lớn của khu vực miền Trung, nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và TP Nha Trang, đồng thời có ý nghĩa rất lớn về mặt KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Việc xây dựng hầm Đèo Cả đã rút ngắn được khoảng cách về quãng đường đèo quanh co và tiết kiệm thời gian đi lại của các phương tiện. Tổng chiều dài dự án khi hoàn thành khoảng 13,4 km, trong đó hầm xuyên núi Đèo Cả dài 4,1 km, xuyên núi Cổ Mã dài 0,5 km, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến (9 km). Hầm đường bộ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h. Để đảm bảo giao thông hai hầm được xây dựng song song, khoảng cách tim hầm cách nhau 30 m, hầm được thiết kế hai làn xe. Hầm được thiết kế và xây dựng theo phương pháp NATM và có thể chịu được động đất cấp 7. Dự án hầm Đèo Cả là dự án lớn có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp và là hợp phần của BOT và BT, có tầm quan trọng hàng đầu trên QL1, nên các định hướng ban đầu có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của dự án. Ban đầu, dự án dự kiến được sử dụng vốn tài trợ bởi nước ngoài và được đầu tư theo hình thức EPC. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tiến độ chuẩn bị rất chậm chạp. Chính vì vậy, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã chuyển hướng sử dụng nguồn vốn vay trong nước, đồng thời sử dụng các nhà thầu là các doanh nghiệp trong nước… Kể từ đó, tiến độ dự án đã được đẩy lên rất tốt. Đến này hoàn toàn đảm bảo tiến độ như kế hoạch ban đầu đã đề ra. |
Đ.Thắng - H.Lộc