Chánh án Trương Hòa Bình trong phiên chất vấn sáng 13/3
Trong phiên trả lời chất vẫn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 13/3, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết trong 3 năm qua (2012 - 2014), tòa án các cấp thụ lý 19 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó giải quyết được 13 trường hợp với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Các tòa án thụ lý 19 đơn khởi kiện các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, giải quyết xong 14 vụ.
Trong đó, Tòa án tuyên các cơ quan tiến hành tố tụng (gồm Công an 3 trường hợp, Viện Kiểm sát 6 trường hợp, Tòa án 5 trường hợp) phải bồi thường với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
Trong phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hỏi: “Trong hơn 6 tỷ đồng mà ngành tòa án đã bồi thường trong 3 năm qua thì người thi hành công vụ có lỗi đã hoàn trả bao nhiêu? Trong khi nhiều cử tri nói là không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai”.
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, trong số các trường hợp phải bồi thường, chưa phát hiện trường hợp nào do lỗi cố ý, nên chưa xem xét trách nhiệm hoàn trả. Nguyên nhân do một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn hạn chế về năng lực trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp; một số trường hợp nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện trong khi việc tranh tụng tại phiên tòa chưa thực sự được quan tâm, chưa phát huy hết vai trò của những người tham gia tố tụng.
Chánh án cũng cho rằng, trong việc quy trách nhiệm bồi thường cần có quy định thấu đáo để làm sao thẩm phán không phải nơm nớp lo âu khi thi hành công vụ. Xác định chế độ đặc thù với thẩm phán để họ có cuộc sống mức khá trở lên phù hợp với lao động đặc thù của ngành này cũng là giải pháp đột phá để hạn chế oan sai.
Dũng Nguyễn