11/10/2011 17:50 PM

- Sau vụ bác sĩ lái ôtô đâm hàng loạt xe trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM), rất nhiều những giả định về nguyên nhân gây tai nạn đã được đưa ra như mất phanh, tài xế bị mất lái do túi khí đập vào mặt, kẹt chân ga, nhầm chân phanh với chân ga… Hãy cùng phân tích tính cơ sở của những nguyên nhân giả định này.

>> Bác sĩ lái "xe điên": Tôi không điều khiển được!

>> Gia hạn tạm giữ bác sĩ gây tai nạn liên hoàn


Đạp nhầm chân ga: Vẫn có thể xảy ra

Chuyên gia kỹ thuật của hãng Ford Việt Nam, anh Phạm Ngọc Bá cho rằng: “Ngay khi nghe những thông tin sơ bộ về vụ tai nạn xe đâm liên hoàn, tôi đã nghĩ ngay đến khả năng có thể là do tài xế đạp nhầm chân phanh thành chân ga – đây là lỗi rất hay mắc phải khi điều khiển xe số tự động của những người mới lái”.

Đây là khẳng định không phải không có cơ sở khi thông tin về những vụ “xe điên” gây chết người liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong một vài năm gần đây.


Trong số đó, các loại xe hiện đại từ 4-7 chỗ được điều khiển bằng số tự động chiếm số lượng lớn.

“Đọc kĩ diễn biến và phân tích vụ tai nạn trên báo chí, tôi được biết rằng, tài xế điều khiển chiếc xe đã mua xe được 2 năm. Nhưng không vì thế mà không mắc lỗi nhầm chân ga như người mới lái.

Nguyên nhân gây tai nạn có thể là do người lái mất bình tĩnh khi va chạm đầu tiên xảy ra rồi sau đó đạp nhầm chân ga với chân phanh dẫn đến chiếc xe lao đi với tốc độ cao và đâm liên tiếp vào người đi đường.

Đây là nguyên nhân khó xảy ra trong vụ tai nạn này, nhưng vẫn không thể loại trừ” – anh Bá phân tích thêm.

Bị túi khí đập vào mặt

Như VietNamNet đã đưa tin, một người bạn, cùng là đồng liêu với bác sĩ Huy thuật lại: “Tôi là người đầu tiên được Huy gọi điện thông báo về tai nạn đã gây ra. Huy nói trong trạng thái thảng thốt: Tôi đã đụng vào 3 xe du lịch nên túi khí đã bung ra đập vào mặt khiến tôi choáng váng không điều khiển xe được. Tôi gây tai nạn chắc nhiều người chết lắm. Có gì anh lo giùm 2 đứa con tôi”.

Việc tài xế bị túi khí đập vào mặt có thể là nguyên nhân cao nhất dẫn đến tai nạn nói trên.



Theo phân tích của một số chuyên gia, mục tiêu của túi khí là làm giảm chuyển động về phía trước của hành khách khi xảy ra tai nạn trong thời gian ngắn nhất.

Túi khí có ba thành phần: (1) Túi chính (Airbag), được làm bằng một loại vải mỏng nylon, được xếp vào vô lăng hoặc bảng điều khiển hoặc, gần đây hơn là ghế, cửa ra vào. (2) Cảm biến (Crash sensor): thiết bị nhận biết sự va chạm để kích hoạt túi khí. Phồng túi khí xảy ra khi có một lực va chạm tương đương khi tông trực diện vào một bức tường gạch với tốc độ từ 16 đến 24 km/h.

Một công-tắc cơ học sẽ đóng khi va chạm xảy ra, mạch điện sẽ được kết nối, và cảm biến sẽ “nhận ra” được tai nạn. (3) Hệ thống phồng túi khí (Inflation system): dựa trên phản ứng hóa học của azide natri (NaN3) với nitrat kali (KNO3) để sản xuất ra khí nitơ.

Và một lượng lớn khí nitơ sinh ra sẽ làm phồng túi khí. Túi khí được phồng lên rất nhanh, “nhanh trong chớp mắt”. Sau đó sẽ nhanh chóng xẹp xuống do khí thoát ra từ các lổ nhỏ trên túi, để bạn có thể thoát ra. Toàn bộ quá trình này xảy ra trong vòng 1/25 giây.

Như vậy là việc túi khí bung ra và che mắt lái xe khiến lái xe mất điều khiển là không thực tế, hơn nữa, dù lái xe có bị che mắt thì phần chân phanh vẫn không hề bị ảnh hưởng, lái xe vẫn có thể phanh lại trong trường hợp bị che mắt.

Điều đó cho thấy, hẳn là lái xe đã bị choáng khi bị một lực tác động mạnh vào mặt khi túi khí bung.

Tuy nhiên, kết luận túi khí bung ảnh hưởng tới người lái lại phụ thuộc vào một số yếu tố khác.

Theo quy định, túi khí bung cần khoảng cách xấp xỉ khoảng 25cm với người lái để an toàn, mà thông thường, ghế ngồi luôn giữ tay lái cách mặt người đủ an toàn khi túi khí nổ. Có nghĩa là nếu ngồi đúng tư thế, tài xế sẽ không bị một lực mạnh tác động vào mặt khi túi khí bung.

Trong trường hợp này, rất có thể là khi lái xe, tài xế đã không thắt dây an toàn, dây không giữ người vào ghế khiến mặt ở gần vô-lăng lúc va chạm và dẫn đến bị choáng, mất lái và gây tai nạn.

Vì lực bung túi khí rất mạnh, nên trong sổ tay lái xe, nhà sản xuất luôn khuyến cáo phải giữ một khoảng cách nhất định đối với vị trí lắp túi khí.

Nguyên nhân do người lái

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Trai (Viện Cơ khí động lực, Bộ môn ôtô và xe chuyên dụng, ĐH Bách Khoa Hà Nội), khi tìm hiểu nguyên nhân của một vụ tai nạn xe hơi người ta thường xét đến 3 yếu tố: (1) Môi trường; (2) Người lái; (3) Phương tiện.

PGS.TS Trai cho rằng: “Yếu tố môi trường trong vụ tai nạn xem như được loại bỏ vì tài xế vận hành xe trong điều kiện thời tiết, đường sá tốt trong thành phố. Về xe, chiếc Toyota Corolla Altis số tự động đời mới mà vị bác sĩ lái khó có thể là nguyên nhân gây tai nạn.

Theo nhận định của tôi, xe được sản xuất vào khoảng trước 2009, nghĩa là đã được trang bị đầy đủ các hệ thống an toàn như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), hệ thống điều khiển lực kéo (TRC), hệ thống điều khiển nâng cao khả năng an toàn cho xe khi chuyển động (VSC), hệ thống hỗ trợ phanh gấp (BAS), chân ga điện tử…

Những trang bị an toàn nói trên là cơ sở để cho rằng, nguyên nhân tai nạn có thể không liên quan đến lỗi thông số kĩ thuật trên xe”.

Xét đến nguyên nhân dẫn đến tai nạn do người lái lại phải tính đến các yếu tố như sức khoẻ, lái mới hay cũ, kinh nghiệm lái, có thường xuyên sử dụng xe số tự động hay không? Có uống bia rượu khi lái xe không? Tâm lý lái xe, lái xe có bị stress không?".

GS Trai nhận định: “Theo ý kiến giả định và chủ quan của cá nhân tôi, nguyên nhân vụ tai nạn phần nhiều nghiêng về kinh nghiệm và yếu tố tâm lí của người lái. Rất có thể vị bác sĩ này đã làm việc căng thẳng sau đó lái xe, khi xảy ra va chạm vì thiếu kinh nghiệm xử lí nên có thể đạp nhầm chân phanh thành chân ga.

Với 2 năm lái xe thì vị bác sĩ này cũng chỉ được coi là một tài xế bán chuyên nghiệp, vì vậy, việc lái xe bị bất ngờ dẫn đến xử lí lúng túng là điều dễ hiểu. Việc túi khí bung và đập vào mặt người lái không thể cho đó là lỗi túi khí. Hệ thống túi khí chỉ phát huy tác dụng khi người lái ngồi đúng tư thế và thắt dây an toàn”.

Đức Thế

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,414

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]