Bỏ án tử 7 tội danh

25/03/2015 10:46 AM

Bên cạnh việc giảm tội danh tử hình, dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 3 tội mới đối với nhóm xâm phạm quyền tự do công dân. Mở rộng hình thức phạt ngoài tù, cho đóng tiền tại ngoại

Ngày 24-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một trong những nội dung quan trọng của dự luật được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến là quy định về hình phạt tử hình.

Tham nhũng, cần có án tử

BLHS hiện hành có 22 tội danh quy định hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo BLHS sửa đổi lần này đề xuất loại 7 tội danh khỏi khung hình phạt cao nhất. Đó là tội cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đồng thời, tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (điều 194 BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Các tội danh khác, mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Với việc loại bớt tội danh tử hình, thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh theo dự thảo, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; chẳng hạn như chỉ áp dụng với một trong những người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm hoặc người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo. Ngược lại, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên và phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi như hiện nay cũng như người từ 70 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, nhất trí giảm 7 tội danh nhưng đưa ra đề xuất đáng chú ý: Áp dụng án tử hình đối với tội tham ô, hối lộ, tham nhũng. “Đối với tội danh này, không cần cân nhắc giảm tử hình vì Việt Nam cam kết phòng chống tham nhũng với quốc tế” - ông Sơn lập luận.

PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, đồng tình: “Đối với tội nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng nên giữ hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu không trừng trị bằng hình phạt nghiêm khắc nhất sẽ không đủ sức răn đe, làm mất lòng tin của nhân dân”.

Một băng cướp sát hại người hành nghề xe ôm tại phiên tòa Ảnh: Phạm Dũng

Thêm tội xâm phạm quyền công dân

Một trong những nội dung đáng chú ý khác là dự thảo BLHS đưa ra nhiều quy định bảo vệ quyền con người, tự do dân chủ của công dân.

Ông Đinh Trung Tụng cho biết đối với nhóm tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân, dự thảo BLHS sửa đổi bổ sung 3 tội mới: Xâm phạm quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Bên cạnh đó, tăng nặng hình phạt đối với 6 tội của nhóm này: Xâm phạm chỗ ở người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.

Một điểm đáng chú ý khác là đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tên gọi “chống chính quyền nhân dân” được thay bằng “Chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đồng thời bỏ 2 tội danh: Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội và phá rối an ninh.

Mở rộng hình phạt ngoài tù

Dự thảo BLHS còn sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng hình phạt ngoài tù. Cụ thể, sẽ mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính, có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.

Đối với hình phạt không giam giữ sẽ mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, kể cả đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý. Song song đó, bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ nhưng nếu không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện lao động công ích (không áp dụng với người già yếu, phụ nữ có thai).

Một nội dung khác là dự luật sửa đổi căn bản quy định về xóa án tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng... Bên cạnh đó, người được miễn hình phạt và người bị kết án về một tội do vô ý thì không bị coi là có án tích.

Đề xuất xử lý hình sự pháp nhân vi phạm

Dự thảo BLHS sửa đổi đề xuất bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội, điều chỉnh theo phạm vi 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

PGS-TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, đồng tình với đề xuất này và cho rằng pháp nhân vi phạm diễn ra rất phổ biến như buôn lậu, quảng cáo gian dối, trốn bảo hiểm, trốn thuế, môi trường... nên BLHS cần sửa theo hướng minh bạch hóa chính sách, pháp luật, quy định xử lý trách nhiệm thật chi tiết. PGS- TS Dương Tuyết Miên, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội, ủng hộ truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Bà Miên bức xúc trước việc một người dân phá rừng bị xử nặng nhưng nhà máy thủy điện phá tan cả cánh rừng thì vô can hay mới đây là vụ Hà Nội chặt hạ cây xanh. “Chúng ta chỉ xử lý pháp nhân yếu thế còn pháp nhân lớn thì có dám sờ đến không? Việc này luật phải quy định rõ” - bà Miên nói.

Thế Dũng

Theo Người Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,015

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]