Quản lý giá là công tác vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng lại chẳng được gì. Vì vậy, cơ quan có chức năng về giá “ngại” quản lý giá. Ảnh: THÀNH HOA |
Luật Giá, Nghị định 177 đã quy định như vậy thì tại sao Bộ Tài chính lại muốn Bộ Công Thương quản lý giá sữa? Theo văn bản của Bộ Tài chính gửi Chính phủ thì nguyên nhân là do chính quy định của... Luật Giá và thực tế quản lý giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi trong thời gian qua. Theo đó, Bộ Công Thương có chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp thực phẩm, an toàn thực phẩm sản phẩm sữa chế biến, chỉ định cơ quan kiểm tra chuyên môn thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm và cấp thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu trước khi lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có thông tin (từ các tham tán thương mại) về giá sữa nhập khẩu, diễn biến giá, nguồn cung trên thị trường... Bộ Công Thương có Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan chuyên ngành trong việc phòng vệ thương mại và có Cục Quản lý thị trường lo kiểm tra, kiểm soát thị trường... Vì vậy, theo Bộ Tài chính, để Bộ Công Thương chủ trì quản lý giá sữa là hợp lý và Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp theo đúng quy định.
Những lý do xem ra rất hợp lý. Nhưng ngặt nỗi, Bộ Tài chính, hơn ai hết, cũng có rất nhiều công cụ để thực hiện tốt công việc quản lý giá sữa. Chẳng hạn, Bộ Tài chính có các cơ quan trực thuộc là Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, nơi cũng có rất nhiều thông tin về doanh nghiệp sữa, về giá nhập khẩu. Đây là những thông tin quan trọng làm cơ sở để xem xét về mức giá bán lẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn có Cục Quản lý giá, cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá. Là cơ quan chuyên trách thì chắc chắn, Cục Quản lý giá sẽ có bộ công cụ, nguồn thông tin để tính toán giá. Chưa hết, theo quy định của Luật Giá, Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý trong lĩnh vực giá. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp sữa không trực thuộc Bộ Tài chính. Vì vậy, các quyết định điều hành theo đó sẽ đảm bảo được tính công bằng, minh bạch.
Còn nhớ, đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính có kiến nghị chuyển một mặt hàng nào đó sang cho bộ khác quản lý, thay mình. Vào năm ngoái, 2014, bộ này cũng đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì điều hành giá của mặt hàng xăng dầu, nhiệm vụ mà trước đó là của Bộ Tài chính. Chính phủ sau đó đã đồng ý với đề xuất này. Nói như chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long với TBKTSG là làm như vậy không khác gì “thả hổ về rừng” khi các doanh nghiệp xăng dầu vốn là những đứa con cưng của Bộ Công Thương. Việc quản lý như vậy cũng đồng nghĩa với việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Vậy lý do thực sự của việc Bộ Tài chính liên tục muốn chuyển trách nhiệm quản lý giá các mặt hàng sang các bộ khác là gì? Theo chuyên gia Ngô Trí Long, quản lý giá là công tác vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng lại chẳng được gì. Vì vậy, cơ quan có chức năng về giá “ngại” quản lý giá.
Chưa hết, nói như những người trong cuộc thì chuyện phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành dù đã được quy định, chỉ đạo, chỉ thị... thì trong thực tế vẫn rất khó khăn. Bộ, ngành nào cũng viện lý do để từ chối hoặc trì hoãn. Riêng với chuyện quản lý giá sữa, Bộ Tài chính cũng từng là... nạn nhân. Lúc đó, Cục Quản lý giá thuộc bộ này gửi hàng loạt công văn cho các cơ quan liên quan nhưng không nhận được những phản hồi tích cực.
Xem ra, trong bối cảnh này thì Bộ Tài chính cứ phải chịu khó dù khó chịu vậy!
Minh Tâm