13/10/2011 15:13 PM

“Tuy làm thám tử cho khách hàng nhưng văn bản thì em sẽ ghi là hợp đồng quảng cáo. Nghề này em nói thiệt là làm… hơi chui một chút nên phải như vậy. Tuy nhiên, anh chị yên tâm vì làm ăn phải đảm bảo chữ tín thì mới sống được”. T., giám đốc công ty TNHH thương mại – dịch vụ A., không có chức năng thám tử bộc bạch.

Theo dõi 24/24

Ngày 11.10, chúng tôi tìm đến công ty TNHH A. ở đường Đô Đốc Lộc, quận Tân Phú để nhờ điều tra giúp những quan hệ “ngoài tình cảm” của người thân trong gia đình. Địa chỉ này là một ngôi nhà khang trang dùng làm văn phòng của nhiều công ty khác nhau. Một cô gái làm lễ tân ở đây cho biết, công ty A. đặt trụ sở chủ yếu để giao dịch với khách hàng, nhưng chưa trưng bảng hiệu vì chờ giấy phép kinh doanh. Sau đó cô gái nhiệt tình gọi giúp giám đốc T. đến công ty để tiếp chúng tôi.

Giám đốc T. là một người đàn ông, khoảng ngoài 35 tuổi, đeo kiếng cận khá thư sinh. T. cho biết, công ty của anh có ba chi nhánh ở TP.HCM và lượng khách đặt hàng cho những dịch vụ cung cấp thông tin, điều tra thông tin của người thân, khách hàng lên đến mấy chục vụ. Đặc biệt, công ty của T. còn làm dịch vụ chống hàng giả cho người tiêu dùng, đơn vị sản xuất khi cơ quan công an khó phát hiện được. “Em đang làm với đối tác là hãng sơn D. Hãng này nhờ giúp đỡ để chống lại tình trạng bị người ta giả sản phẩm”, T. dẫn chứng.

Khi nghe câu chuyện của chúng tôi, rằng gần đây gia đình phát hiện một người thân có dấu hiệu khác lạ về tình cảm, có dấu hiệu ngoại tình, T. cho biết có hai phương án để chọn lựa. Một là giám đốc T. sẽ cung cấp cho chúng tôi phần mềm cài vào điện thoại của người thân. Phần mềm này sẽ cho phép người cài đặt lén có thể kiểm tra được tất cả tin nhắn, cuộc gọi đến, gọi đi, thậm chí ghi âm dù người sử dụng đang ở xa hàng trăm cây số. Việc cung cấp phần mềm này là miễn phí nhưng chúng tôi sẽ phải thanh toán chi phí cước với tổng đài khoảng 9 triệu đồng/tháng. Như vậy người trong gia đình sẽ tự làm thám tử cho mình.

Phương án thứ hai T. đề cập là thuê dịch vụ bên công ty A. để công ty cử nhân viên đi điều tra 24/24 người thân bị nghi ngờ trong một tuần, hoặc một tháng. Kết quả điều tra sẽ được báo về cho chúng tôi hàng ngày...

Vi phạm các quyền về nhân thân

Giám đốc T. cho biết thêm, do hoạt động theo dõi người khác là không đúng quy định của pháp luật nên công ty anh chỉ làm… chui bằng cách phù phép “hợp đồng theo dõi” thành “hợp đồng quảng cáo”.

Đối với trường hợp của chúng tôi, T. ra giá 8 triệu đồng để điều tra trong một tuần và thêm 1 triệu đồng cho chi phí đi tỉnh vì “người thân ở Vũng Tàu”. Không để cho khách có phản hồi về giá cả, T. nói luôn: đây là chi phí rất rẻ vì nhân viên của công ty phải đi điều tra liên tục trong nhiều ngày. Ngoài ra, để làm bằng chứng những nhân viên này còn phải chụp ảnh, ghi âm và di chuyển liên tục theo mỗi hoạt động của người bị theo dõi. Đặc biệt hơn, T. tuyên bố chắc nịch, rằng khi chúng tôi ký hợp đồng, công ty sẽ cho mượn thiết bị định vị GPS để gắn vào xe máy của người bị theo dõi. “Bảo đảm người đó đi đến bất kỳ đâu, màn hình máy tính cũng báo một chấm đỏ đang di chuyển. Như vậy, nếu người đó nói đi Tây Ninh nhưng thực ra ở Sài Gòn cũng sẽ bị phát hiện nói dối ngay. Còn thanh toán thì anh yên tâm, khi nào xong việc công ty mới lấy tiền”, T. nói.

T. còn nói thêm, có rất nhiều người giàu, nhưng gia đình đổ vỡ vì chồng, hoặc vợ ngoại tình. Họ rất đau khổ, công ty điều tra, cung cấp thông tin xong thì không thể cứu vãn được hôn nhân. Những thông tin về khách hàng, sau khi kết thúc hợp đồng, công ty huỷ hết để đảm bảo tính bảo mật.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tin học cho biết, về kỹ thuật những điều T. nói là rất bình thường. Chỉ cần vài triệu đồng là có thể theo dõi bất kỳ ai, nhờ những sản phẩm bán đầy trên thị trường.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, từng công tác trong ngành công an cung cấp thêm thông tin: trước đây ở Hà Nội có một vài công ty thám tử được bộ Công an cấp giấy phép hoạt động nhưng chức năng rất hạn chế. Hiện nay, Nhà nước chưa cho phép hoạt động thám tử tư cũng như các loại hình dịch vụ cung cấp thông tin cá nhân. Ở miền Nam, các công ty thám tử khó có giấy phép kinh doanh dịch vụ này.

“Thực ra xử lý các công ty này chỉ là xử phạt hành chính theo pháp lệnh hiện hành. Còn hành vi điều tra, cung cấp thông tin cá nhân là vi phạm các quyền về nhân thân được pháp luật dân sự bảo vệ. Người bị xâm hại (bị theo dõi) có quyền khởi kiện công ty thám tử để đòi bồi thường”.

Theo SGTT

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,894

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]