Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp lên tiếng

11/04/2015 14:12 PM

Hiện nhiều trường “không biết theo ai” vì phải chịu sự chi phối của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Hiệp hội Các trường CĐ, trung cấp (TC) kinh tế - kỹ thuật vừa gửi công văn kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội... về một số nội dung chưa được làm rõ và thiếu khả thi trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Kiến nghị sửa luật

Theo hiệp hội này, Luật GDNN chưa phân biệt rõ vị trí việc làm của người tốt nghiệp TC và CĐ trong thị trường lao động ở rất nhiều ngành nghề để làm cơ sở xây dựng các cấp trình độ mang tính tiêu chuẩn bảo đảm cho sự hội nhập quốc tế. Các quy định về điều kiện tuyển sinh, thời gian đào tạo ở Luật GDNN chỉ phù hợp với đào tạo kỹ năng nghề... Vì vậy, hiệp hội đưa ra 3 kiến nghị.

Một là, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quản lý nhà nước về GDNN bởi đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT là học sinh, sinh viên, nhà giáo cùng cán bộ quản lý giáo dục; đối tượng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ yếu là người lao động đã được đào tạo (hoặc chưa đào tạo) và chính sách việc làm. Điều này sẽ khắc phục được sự phân tán nguồn lực, giảm đầu mối quản lý ở cả trung ương và địa phương, tạo điều kiện cho hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới, bảo đảm tính liên thông từ giáo dục phổ thông, GDNN đến giáo dục đại học.

Hai là, cần đánh giá tác động của chính sách pháp luật đối với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và CĐ để làm cơ sở cho các quy định trở nên khả thi đối với 2 loại đối tượng này. Bộ LĐ-TB-XH được Thủ tướng giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản dưới luật cần cụ thể hơn nữa các quy định về quy hoạch mạng lưới về GDNN trên địa bàn, tiêu chuẩn giáo viên, đào tạo liên thông, thời gian đào tạo đối với trình độ TC, quy định kiểm định chất lượng giáo dục, thiết kế chương trình đào tạo giữa các bậc học, thống nhất các trình độ CĐ, TC.

Ba là, khẩn trương đưa vào chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII việc xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung không khả thi của Luật GDNN trước thời điểm 1-7-2015 (luật có hiệu lực thi hành).

Học viên thực hành tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM)Ảnh: Tấn Thạnh

Thiệt thòi cho người học

Nói thêm về những kiến nghị này, ông Trần Công Chánh - Chủ tịch Hiệp hội Các trường CĐ, TC kinh tế - kỹ thuật Việt Nam - cho rằng hiện nhiều trường đang “không biết theo ai” vì phải chịu sự chi phối của cả Bộ GD-ĐT lẫn Bộ LĐ-TB-XH. Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT đóng vai trò “chủ công” trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhưng với Luật GDNN thì Bộ LĐ-TB-XH lại gần như nhận nhiệm vụ chủ trì để xây dựng các chính sách liên quan đối với hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật. Cùng một nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nhưng sự quản lý của 2 bộ lại ít liên kết với nhau. Hơn nữa, khi đã có chỗ chồng chéo sẽ rất dễ có những nơi mà cả 2 bộ cùng bỏ trống.

Ông Chánh cũng cho rằng tách GDNN ra khỏi hệ thống giáo dục để làm quy hoạch riêng sẽ khó khả thi vì GDNN chịu ảnh hưởng của yếu tố đầu vào là học sinh phổ thông, cần phải được dự báo và quy hoạch bởi một cơ quan đầu mối. Hơn nữa, khi 2 bộ chia nhau quản lý nhà nước các hệ thống nối tiếp xen kẽ nhau vốn đòi hỏi phải có tính liên thông thì đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là người học.

Về vấn đề này, các trường CĐ cũng mong muốn hệ thống GD-ĐT phải đưa về một mối. Ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT đã quản lý rất tốt, rất chuyên nghiệp một lượng lớn các trường CĐ, TCCN thì nên để bộ tiếp tục quản lý, không nên chia cắt. “Giáo dục nước ta đang rất phân tán khi cùng lúc tồn tại trường CĐ, TCCN và trường CĐ nghề, TC nghề. Sự phân tán đó đã tạo ra khoảng trống ngăn cách đường liên thông từ bậc học thấp lên cao” - ông Nam nói.

Ông Đỗ Hữu Ngập, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghệ TP HCM, cho biết GDNN trước đây vẫn thuộc về Bộ GD-ĐT nhưng sau này bị chia tách sang Bộ LĐ-TB-XH, tạo ra những cách biệt dù cùng trình độ. “Sai lầm này ai cũng thấy. Nên trả lại GDNN về cho Bộ GD-ĐT để tạo hệ thống thống nhất” - ông Ngập nêu quan điểm. 

Hai bộ giành nhau

Ngày 10-2, Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường CĐ, trường TC, trung tâm GDNN và phân hiệu của cơ sở GDNN”. Đến ngày 17-3, Bộ GD-ĐT cũng lấy ý kiến một dự thảo thông tư nguyên văn như trên. Điều đáng nói là cả 2 dự thảo thông tư đều khẳng định thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường CĐ thuộc bộ mình.

Yến Anh - Huy Lân

Theo Người Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,309

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]