Tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đầu tư năm 2014 về điều kiện kinh doanh sẽ góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh
Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi xem xét báo cáo ngày 29/1/2015 của Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số Bộ, địa phương ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và một số văn bản cần rà soát, xử lý theo quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2015.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 2154/VPCP-KTTH ngày 31/3/2015 và số 2514/VPCP-PL ngày 14/4/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát các văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi); thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp theo dõi việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nêu trên của các Bộ ngành, địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III/2015.
Các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh – thường được gọi là “giấy phép con” - là một trong những vấn đề đáng chú ý và cũng gây tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng các luật nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015) đã lần đầu tiên ban hành kèm theo Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trước đó, có khoảng gần 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định tại nhiều văn bản khác nhau.
Luật Đầu tư cũng quy định rõ, các điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các bộ ngành, địa phương và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo báo cáo, Bộ Tư pháp cho biết đã phân loại, thực hiện kiểm tra 249 văn bản của 16 bộ, 276 văn bản của 52 địa phương và đã phát hiện 9 văn bản của các bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật. Chẳng hạn, một số tỉnh đã tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh như: biểu diễn ca Huế; sửa chữa ô tô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy... |
Thành Đạt