Theo Tân Hoa Xã, bộ luật hình sự trước đó chỉ quy định rõ phụ nữ là nạn nhân của hiếp dâm hoặc tấn công tình dục với mức án thấp nhất là 5 năm tù.
Hành vi hiếp dâm vợ/chồng tại Hàn Quốc bị xem là phạm pháp Ảnh: Yonhap
Trước khi luật được sửa đổi, trường hợp nam giới bị tấn công tình dục rất khó nộp đơn khiếu nại. Các chuyên gia pháp lý và nhà hoạt động lâu nay vẫn thúc giục nhà chức trách cải cách luật để bảo vệ quyền lợi nam giới nhiều hơn trong các vụ tấn công tình dục. Trong một vụ việc gây xôn xao dư luận hồi tháng 5-2010, một nam nhân viên bảo vệ 42 tuổi đã lạm dụng tình dục một đồng nghiệp nam 18 tuổi ở thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, thủ phạm chỉ bị kết án một năm tù vì cố ý gây thương tích, tội danh ít nghiêm trọng hơn tội tấn công tình dục. Trong một trường hợp khác ở thị trấn Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên hồi năm ngoái, một người đàn ông bị một người cùng giới cướp và cưỡng hiếp nhưng kẻ tấn công cũng không bị buộc tội tấn công tình dục.
Đặc biệt, luật mới góp phần bảo vệ tốt hơn cho nam giới dưới 18 tuổi. Trước đây, hành vi cưỡng hiếp bé trai chỉ có thể khép vào tội quấy rối tình dục với mức án tối đa 5 năm tù. Theo nghiên cứu của Trường ĐH Hồng Kông và Tổ chức UBS Optimus (Anh), tỉ lệ bé trai bị quấy rối tình dục cao hơn 2,7% so với các bé gái tại Trung Quốc.
Trước Trung Quốc, Tòa án Tối cao Hàn Quốc hồi tháng 5-2013 cũng công nhận hành vi hiếp dâm vợ/chồng là phạm pháp. Hôm 27-10 qua, một phụ nữ Hàn Quốc 40 tuổi trở thành người vợ đầu tiên bị truy tố vì cáo buộc ép chồng quan hệ tình dục. Theo cáo trạng, người phụ nữ họ Shim nói trên đã nhốt người bạn đời (họ Kim) trong nhà suốt 29 giờ và ép ông “chiều” bà. Sau khi thẩm vấn, các công tố viên phát hiện bà Shim muốn “thu thập chứng cứ thuận lợi cho thủ tục ly hôn” nhưng họ không nói rõ người vợ sẽ được lợi lộc gì khi “ép” chồng như thế.
Ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Pháp…, việc ép vợ/chồng quan hệ khi không được sự đồng ý bị cấu thành hành vi phạm tội. Liên Hiệp Quốc cho biết tính đến năm 2006, có 104 nước công nhận tội “cưỡng hiếp trong hôn nhân” là hành vi phạm tội có thể bị đưa ra xét xử.
Xuân Mai
Theo Người lao động