Chính sách mới >> Quốc tế 08/03/2017 14:29 PM

Kinh nghiệm thế giới dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè

08/03/2017 14:29 PM

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè

Hoạt động bán hàng rong ở Thái Lan giai đoạn trước năm 2015

Cũng giống như ở Việt Nam, nhiều thành phố ở cả những nước đang phát triển và các nước phát triển trên thế giới cũng phải đối mặt và buộc phải tìm các giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến trật tự vỉa hè, đường phố.

Tăng cường quản lý, kiên quyết xử phạt hành chính

Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tính đến cuối năm 2015, lượng xe hơi đang hoạt động đã đạt đến con số gần 6 triệu chiếc, tạo sức ép rất lớn đối với hoạt động giao thông nói chung và trật tự đô thị nói riêng. Các hiện tượng như xe máy đi trên vỉa hè, ô tô cá nhân đỗ chắn lối đi của người đi bộ và việc các cửa hàng kinh doanh dọc các con phố ở Bắc Kinh cơi nới, mở rộng các bảng biển quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng đã khiến mỹ quan đô thị trở lên lộn xộn.

Để giải quyết vấn đề, chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt hoạt động quản lý, xử phạt hành chính với việc đỗ xe trên vỉa hè hoặc làn đường dành cho xe đạp. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng mở các chiến dịch dẹp bỏ, thu giữ và xử phạt những cửa hàng không chấp hành các quy định đảm bảo trật tự, văn minh đô thị.

Để ngăn chặn cũng như giảm hiện tượng vỉa hè, lề đường bị chiếm dụng, Trung Quốc đã có ý tưởng vận hành các điểm cho thuê xe đạp ở các bến xe công cộng, ga tàu điện ngầm nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân với hy vọng giảm tải được phần nào áp lực giao thông, tạo điều kiện để các chiến dịch làm cho đường thông, hè thoáng diễn ra suôn sẻ.

Tại Thái Lan, năm 2015, các loại xe đẩy, quầy bán hàng rong - những thứ vốn từng tạo nên một nét văn hóa đường phố ở Thủ đô Bangkok cũng đã phải đối mặt với các chiến dịch truy quét.

Những nỗ lực của chính quyền Bangkok được thực thi nhằm giải tỏa những khu phố lộn xộn, giành lại tối đa các khu vực vỉa hè vốn được thiết kế để phục vụ khách bộ hành, người đi tham quan du lịch.

Chính quyền Bangkok quy hoạch và thiết kế, chuyển hoạt động kinh doanh từ mặt các con đường chính sang các ngõ phố trên cùng một trục đường nơi hoạt động bán hàng lưu niệm, ăn uống được tập trung và tạo điều kiện tối đa.

Khi tổ chức các chiến dịch dẹp bỏ nạn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lực lượng thực thi pháp luật tại Bangkok cũng gặp không ít trở ngại nhưng họ vẫn cương quyết và đã thành công.

Tại Ấn Độ, một quốc gia lớn đang phát triển khác ở châu Á, hầu hết các thành phố lớn của nước này cũng đang phải hứng chịu những vấn đề liên quan đến giao thông, ô nhiễm xuất phát từ thực tế dân số ở các khu vực đô thị ngày càng tăng.

Do dân số đông, nền kinh tế của Ấn Độ đang trong giai đoạn thay đổi nên các thành phố lớn cũng phải đối mặt với các vấn nạn như lộn xộn, chiếm dụng lề đường, hè phố khiến tình trạng ách tắc giao thông trở nên trầm trọng.

Để đáp ứng nguyện vọng của phần đông người dân, Chính phủ Ấn Độ đã có các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và hoàn cảnh ở nước này: Chủ trương dẹp bỏ các khu vực lộn xộn trên các tuyến phố lớn, xây dựng những dải đường đặc biệt trên vỉa hè để phục vụ không chỉ người đi bộ mà còn dành không gian cho người đi xe đạp.

Đầu tư quy hoạch ở Singapore

Ngay từ thập niên 50, Singapore đã ý thức được tầm quan trọng của công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Cách đây hàng chục năm, Singapore đã triển khai việc quy hoạch, quản lý đối với những hoạt động bán hàng hóa trên vỉa hè, đường phố. Khi đó, quốc đảo nhỏ bé này đã nghiên cứu và đề ra những chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để những tiểu thương buôn bán trên đường phố tập trung về các ngõ phố kinh doanh chuyên biệt giống như những gì Thái Lan đã làm vào năm 2015.

Từ một nước đang phát triển, Singapore chuyển mình thành quốc gia phát triển. Dù là một nước nhỏ nhưng bất cứ ai đi du lịch khảm phá quốc đảo này đều phải trầm trồ trước sự phát triển và trật tự văn minh ở nơi đây.

Mô hình quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và thu gặt lợi ích kinh tế của Singapore là một điển hình đáng và đã được nhiều thành phố trên khắp thế giới tham khảo, học tập.

Tại Anh, hồi tháng 4/2016, chính quyền nước này đã đề ra chủ trương cải tạo, loại bỏ những rào cản trên hè phố ở tất cả thành phố trên cả nước với mục đích giúp đường phố an toàn, sạch sẽ hơn cũng như khuyến khích người dân đi bộ, đạp xe.

Chính sách này được áp dụng riêng ở Thủ đô London từ 40 năm trước, tuy nhiên, vì tính hiệu quả của nó, giới chức hiện muốn nhân rộng mô hình này ra toàn nước Anh.

Một số thành phố ở các nước phát triển khác như Hàn Quốc, Canada, Mỹ cũng có lúc phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị, đặc biệt là khi công nghệ, phương tiện giao thông đang ngày càng phát triển và dân số ngày càng đông, đa dạng.

Tuy nhiên, có điểm rất khác biệt trong cách thức các quốc gia phát triển giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị đó là một khi họ đã xác định được vấn nạn họ sẽ giải quyết bằng được thông qua các chiến dịch quyết liệt, triệt để.

Sở dĩ các quốc gia phát triển làm được như vậy là vì nền tảng quy hoạch của họ cơ bản đã rất tốt. Các vấn đề phát sinh gần như không có liên quan đến bất cứ “nhóm lợi ích” có quyền thế nào ở địa phương.

Ngoài ra, trình độ dân trí ở các nước này cũng cao hơn, bởi vậy, khi một chính sách, chủ trương mà tốt cho cộng đồng thì người dân sẽ ủng hộ.

Hòa Bình 

Theo Báo Giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,764

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]