Thông tin trên vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố tại báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2014 (Global Economic Prospects hay GEP).
Mức tăng trưởng đáng thất vọng
Theo World Bank, thời tiết không thuận tại Mỹ, khủng hoảng Ucraina, quá trình tái cân đối tại Trung Quốc, bất ổn chính trị tại một số nước thu nhập trung bình, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp và hạn chế năng lực đã kéo tỉ lệ tăng trưởng các nước đang phát triển xuống dưới mức 5% trong năm thứ 3 liên tiếp.
Trong báo cáo GEP 2014, World Bank đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển xuống 4,8%, trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2014 là 5,3%. Các dấu hiệu cho thấy mức tăng trưởng sẽ đạt 5,4% năm 2015 và 5,5% năm 2016.
Dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 7,6% năm nay. Tuy nhiên, điều đó còn tuỳ thuộc vào kết quả quá trình tái cân đối.
Theo ông Jim Yong Kim- Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới: “Tỷ lệ tăng trưởng tại các nước đang phát triển vẫn ở mức thấp đã không tạo đủ số việc làm cần thiết để cải thiện cuộc sống của 40% số người thuộc diện nghèo nhất. Các nước cần phải tăng tốc và đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu trong nước thì mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế tổng thể và đủ mức xoá nghèo cùng cực ngay trong thế hệ hiện tại”.
Tăng cường cải cách kinh tế trong nước
Các chuyên gia của World Bank cho rằng, thị trường vẫn còn bất ổn và các đồn đoán về thời điểm cũng như mức độ thay đổi chính sách vĩ mô tại các nước thu nhập cao có thể dẫn đến một loạt bất ổn mới. Mức độ tổn thương cũng duy trì ở mức cao tại các nước vừa có tỷ lệ lạm phát cao, vừa bị thâm hụt tài khoản vãng lai (Bra-xin, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ). Vấn đề ở đây là việc nới lỏng điều kiện tài chính quốc tế vừa rồi sẽ kéo theo tăng trưởng tín dụng, tăng thâm hụt tài khoản vãng lai và tăng mức độ tổn thương.
Ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định: "Vẫn cần phải từ từ siết chặt chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm khôi phục hiện trạng tài khóa như năm 2008, thời điểm trước khi bị phá vỡ bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Nói tóm lại, đây chính là lúc cần chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng lần tới”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của World Bank cũng đưa ra khuyến nghị việc khởi động lại chương trình tái cơ cấu bị dừng lại tại một số nước đang phát triển, nhằm duy trì tăng trưởng nhanh.
“Vấn đề chính là phải chi tiêu khôn ngoan hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn. Những nút thắt hạn chế trong ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và môi trường kinh doanh tại nhiều nền kinh tế lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình đã cản trở tốc độ tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động. Cải cách chính sách trợ giá có thể tạo thêm nguồn tiền phục vụ nâng cao chất lượng đầu tư công nhằm tăng cường nguồn vốn con người và cơ sở hạ tầng,” ông Andrew Burns, tác giả chính của bản báo cáo nhận định./.
Vũ Luyện
Theo Thời báo tài chính Việt Nam