Chính sách mới >> Tài chính 25/03/2016 10:38 AM

Cải cách thể chế từ câu chuyện 'chim chưa đậu đã nhậu hết chim'

25/03/2016 10:38 AM

'Nhiều doanh nghiệp tâm sự rất muốn làm giàu cho quê hương. Họ muốn đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim', đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tâm tư.

Câu nói được đại biểu Khánh chia sẻ với thái độ xót xa, song cũng gây một tràng cười cho những người có mặt trong phiên họp tổ của đoàn Hà Nội ngày 24/3 bởi hình ảnh ví von độc đáo. Tâm tư này được bà đưa ra khi đề cập đến câu chuyện thể chế hiện hành chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.  

"Cải cách hành chính hiện chưa đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như người dân. Cứ nói là cải cách nhưng thực tế nền hành chính vẫn mang tính xin - cho. Nó có nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức nên vẫn làm khó cho doanh nghiệp”, bà Khánh nhìn nhận và cho rằng cải cách thể chế nhất thiết phải là động lực mới để doanh nghiệp, người dân yên ổn làm ăn.

trần thị quốc khánh

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tỏ thái độ xót xa trước những bức xúc của doanh nghiệp về thể chế. Ảnh: N.H

Cùng với nữ đại biểu của đoàn Hà Nội, vấn đề thể chế, nhất là thể chế cho doanh nghiệp, cho các hoạt động kinh tế... là mối quan tâm chung của nhiều đại biểu khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

“Khi hội nhập, các đối tác đưa ra rất nhiều cơ hội cho chúng ta nhưng bao giờ cũng kèm theo điều kiện về cải cách thể chế”, Phó trưởng đoàn TP HCM - Trần Du Lịch lưu ý. Theo chuyên gia này, Việt Nam đã nỗ lực cải cách, nhưng hiện có 2 khâu yếu là cải cách nền hành chính chưa hiệu quả và áp lực nợ công quá lớn. Vấn đề thứ hai cũng phần nào có hệ quả từ cơ chế xin - cho trong đầu tư công.

“Muốn doanh nghiệp cạnh tranh thành công thì đầu tiên phải cạnh tranh quốc gia và đó là vấn đề của Nhà nước”, ông nói. Theo đó, Nhà nước cần tính toán với từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể để có những định hướng, hỗ trợ như là "bà đỡ" thực sự, chứ không thể khoán trắng cho doanh nghiệp tự hội nhập. 

Riêng với câu chuyện cải cách hành chính, vị này cảnh báo nếu không quyết liệt thì tình thế khó xoay chuyển. “Nhiều huyện nói dù họ không cần nhưng số Phó chủ tịch hội đồng nhân dân cứ tăng lên, trong khi cần cán bộ khuyến lâm, khuyến ngư thì không có. Tinh giản biên chế chỗ cần thì lại giảm, chỗ không cần thì tăng”, ông dẫn ví dụ và nhấn mạnh: “Phải giải quyết tất cả những vấn đề đó một cách rõ ràng, hiệu quả, trong đó có cả việc rà soát những đạo luật hiện hành”.

Ghi nhận những nỗ lực của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh trong công cuộc cải cách thể chế thời gian qua, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Phúc nhận xét các thể chế phi chính thức vẫn còn rườm rà. 

nguyễn văn phúc

Ông Nguyễn Văn Phúc nhắn nhủ người kế nhiệm Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp tục coi trọng cải cách thể chế. Ảnh: Quochoi.vn

“Bộ trưởng nào thay đồng chí Vinh phải tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế vì nó đang cản trở sự phát triển ghê gớm”, ông Phúc lo ngại.

Có vị Bộ trưởng từng phàn nàn với ông Phúc tuy mang tiếng là tư lệnh ngành nhưng nói địa phương rất khó vì đứng đầu tỉnh cũng là Ủy viên trung ương, ngang với Bộ trưởng. Thậm chí có những Giám đốc Sở còn thách thức lên cả Bộ trưởng. Dẫn chứng câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè, vị đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho biết đây là quyền của chủ tịch tỉnh song khi chất vấn tại Quốc hội lại phải hỏi… Bộ trưởng Xây dựng.

“Chúng ta chất vấn mà không giao quyền cho họ thì cũng khó. Muốn thoát khỏi tụt hậu thì phải phân tích lại bộ máy, điều mà lâu lắm rồi không thấy bàn. Hy vọng bộ máy mới sẽ có sự đổi mới, vì vừa qua cử tri đánh giá rất cao công tác làm nhân sự của Đảng”, ông Phúc kỳ vọng.

Chí Hiếu - Hoàng Thùy

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,372

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]