Cải cách mục lục ngân sách Nhà nước để tạo thuận lợi công tác quản lý của Nhà nước. Ảnh: T.Hằng.
Được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ xây dựng Thông tư về Hệ thống thống mục lục ngân sách Nhà nước áp dụng trong công tác lập dự toán; quyết định, phân bổ, giao dự toán; chấp hành, kế toán, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước để đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật phí và lệ phí, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo KBNN, Hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, phân biệt rõ nội dung và không chồng chéo, vừa phục vụ công tác lập và chấp hành, kế toán, quyết toán ngân sách Nhà nước, vừa phục vụ công tác phân tích chính sách tài chính Nhà nước; đồng thời được sửa đổi theo hướng đơn giản, thống nhất từ khâu lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc so sánh, đánh giá theo tiêu chí thống nhất trong suốt chu trình quản lý ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, Hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước mới sẽ kế thừa những ưu điểm của mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành, khắc phục những mặt còn tồn tại, đồng thời vận dụng có chọn lọc các nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế để sửa đổi.
Việc bổ sung mục lục ngân sách Nhà nước sẽ bảo đảm tính khoa học, đầy đủ, toàn diện, đơn giản, dễ làm, dễ hiểu, đáp ứng được các yêu cầu quản lý ngân sách của các cấp, các ngành, có đủ nguồn cung cấp thông tin lập báo cáo theo yêu cầu của tổ chức quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện và người sử dụng số liệu về ngân sách. Đồng thời sẽ vận dụng nguyên tắc “mở” để đáp ứng được sự thay đổi trong tương lai, kể cả các yêu cầu hạch toán, theo dõi số liệu kế toán ngân sách trong các quan hệ tài chính ngân sách với quốc tế.
Theo KBNN, việc phân loại, sắp xếp và bố trí lại mục lục ngân sách Nhà nước mới không chỉ tác động đến công tác lập và phân bổ ngân sách Nhà nước mà còn tác động trực tiếp đến công tác kiểm soát, theo dõi, hạch toán kế toán, quyết toán ngân sách Nhà nước.
Đối với các phần mềm quản lý dữ liệu như TABMIS, Hệ thống phối hợp thu ngân sách Nhà nước (TCS), các phần mềm quản lý của cơ quan thuế, hải quan, các Bộ và đơn vị sử dụng ngân sách, Danh mục dùng chung,... để đảm bảo công tác tổ chức vận hành khi chuyển sang mục lục ngân sách Nhà nước mới cũng như theo dõi lưu giữ số liệu, quyết toán ngân sách Nhà nước trong một vài năm, cần nâng cấp, chỉnh sửa và theo đó là các phương án hạ tầng thiết bị phù hợp. Bên cạnh đó, biểu mẫu báo cáo, công thức lập chỉ tiêu báo cáo, tài khoản kế toán cần rà soát, cập nhật cho đồng bộ.
Theo KBNN, do Nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Thông tư hướng dẫn nghị định (là căn cứ pháp lý để ban hành mục lục ngân sách Nhà nước) hiện chưa ban hành; đồng thời việc triển khai Thông tư về mục lục ngân sách Nhà nước mới cần có thời gian để các đơn vị tập huấn, chỉnh sửa chương trình ứng dụng liên quan, vì vậy mục lục ngân sách Nhà nước mới với các nội dung thay đổi cơ bản được đề xuất áp dụng từ năm ngân sách 2018 để kịp chuẩn bị các công việc liên quan. Trong khi chưa triển khai thực hiện mục lục ngân sách Nhà nước mới, ngân sách 2017 vẫn tiếp tục triển khai áp dụng mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành. Tuy nhiên, do Luật Ngân sách Nhà nước được áp dụng từ năm ngân sách 2017 và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 -2020 nên việc chuyển đổi mã số hạch toán ngành, lĩnh vực đầu tư theo Quyết định 40/2015/QĐ-TTg và lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 sang danh mục mã số nhiệm vụ chi áp dụng riêng cho năm ngân sách 2017 được thực hiện theo Bảng chuyển đổi kèm theo Thông tư về mục lục ngân sách nhà nước. Như vậy, các quy định chi tiết về từng nội dung và thời điểm có hiệu lực tương ứng trong Thông tư mục lục ngân sách Nhà nước mới là điểm cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. |
Thùy Linh
Theo Báo Hải quan