Phải có ít nhất 50 NH mới đủ để chia phân khúc thị trường theo nhu cầu vốn hiện nay. Hiện nay 90 NH mà DN vẫn phải đi vay chợ đen, nếu ít NH quá thì thị trường cung ứng vốn thế nào.
Hệ thống ngân hàng tồn tại nhiều bất ổn nên sắp xếp lại là điều cần thiết. Nhưng bài toán sáp nhập, mua bán có đơn thuần chỉ là một phép tính cộng?
Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ý định sắp xếp lại các NH, rất nhiều ý kiến đã đánh đồng việc tái cấu trúc với việc sáp nhập hai NH nhỏ vì cho rằng “đã là NH thì phải có vốn lớn”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhỏ chưa hẳn đã yếu và to chưa hẳn đã khỏe.
Coi lại chuyện “kết hôn”
NHNN rất nhiều lần thừa nhận thực trạng chung của hệ thống NH hiện nay không đồng đều về quy mô, nhưng lại hoạt động trên “mặt trận chung”. Hệ thống NH của Việt Nam cũng khác nhau về quản trị, năng lực tài chính. Vậy nhưng, nhiều người vẫn “gán đôi” cho những cặp khập khiễng này.
Giữa năm 2011, rộ lên tin NH W. sáp nhập với NH A.; hoặc như mới đây giới NH cũng có thông tin sẽ sáp nhập 3 NH có vốn điều lệ chưa đủ 3.000 tỷ đồng thành một NH vừa.
Điều này theo nhiều chuyên gia kinh tế là thiếu cơ sở. Ông Hoàng Văn Toàn, Tổng giám đốc NamAbank, nêu quan điểm: “NH nhỏ nhưng nợ xấu ít, chiến lược kinh doanh ổn, vẫn phát triển thì không thể gọi là yếu”. Cũng theo ông Toàn, nếu những NH nhỏ về vốn phải “cưới” những NH lớn (có vốn điều lệ nhiều) thì chưa chắc tốt đẹp
“Vốn lớn thì yêu cầu về quản trị cũng khác đi. Ví dụ quản trị chuỗi khách sạn phải khác một khách sạn, quản trị khách sạn phải khác nhà riêng. Do đó tái cấu trúc không phải là chuyện “nhập” các NH lại làm một”, ông Toàn nói.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn: “Tôi 70kg, tôi vác được một bao tải 50 kg nhưng không thể nói anh 90kg sẽ vác nổi bao tải 70kg được. Điều này còn tùy vào sức khỏe của mỗi người. Hệ thống NH cũng vậy, không phải cứ sáp nhập 2 NH nhỏ thì sẽ cho ra NH lớn và cũng không có nghĩa một NH lớn cõng thêm một NH nhỏ thì sẽ mạnh lên”.
Vậy thì cơ sở nào để tính chuyện sáp nhập các NH?
“Sáp nhập, mua bán là chuyện cần làm nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, tìm hiểu nhau và xem có phù hợp hay không”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Lienvietpostbank, cho biết.
Dựa trên nguyên tắc thị trường
Hiện nay, tình hình mua bán, sáp nhập các NH trong nước chưa nhiều. Chỉ có 1 vụ điển hình là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) góp vốn vào NH Liên Việt (Lienvietbank) để cho ra đời Lienvietpostbank. Vì thế, ngay cả những nhà hoạch định chính sách vẫn băn khoăn về hình thức tái cấu trúc thế nào cho phù hợp.
Dẫn chứng nhiều trường hợp trên thế giới, TS Lê Thẩm Dương, Trường ĐH NH TP.HCM, nói: “Tái cơ cấu xong mà hệ thống NH lại yếu đi thì rất nguy hiểm. Theo tôi có 3 hình thức tái cấu trúc: Nhà nước có thể mua lại NH yếu; NH lớn mua lại NH nhỏ; sáp nhập lớn với lớn, nhỏ với nhỏ hoặc nhỏ với lớn”.
Các hình thức tái cơ cấu này đều phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện và dựa vào tiêu chuẩn chung của hệ thống.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, dẫn chứng, từ năm 1999 - 2007, NHNN đã dùng tiền cung ứng để đóng cửa một số NH và thực hiện tái cơ cấu một số NH. Nhưng trong thời điểm hiện nay, ông Dũng cho rằng cách này không thể kham nổi, nên chuyện sẽ sáp nhập, hợp nhất và loại bỏ NH phải dựa trên nguyên tắc thị trường.
Bao nhiêu là đủ?
Theo TS Lê Thẩm Dương, lộ trình của tái cơ cấu sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra tiêu chuẩn, lộ trình 5 năm theo nguyên tắc “không ngừng tái”. NHNN nên tổ chức “hội nghị Diên Hồng” để lấy ý kiến của nhiều tổ chức tín dụng cũng như các thành phần kinh tế khác và cần cân nhắc cụ thể khi tiến hành tái cơ cấu NH.
“Lộ trình tái cơ cấu của từng NH, theo nhiều chuyên gia nên phân theo từng nội dung. Đó là nội dung: Cơ cấu (có to có nhỏ để phân khúc), chế độ sở hữu, công nghệ, quy trình, nhân sự, quản trị… Các nội dung này dựa trên tiêu chuẩn, định hướng phục vụ của từng loại NH để tái cấu trúc”, ông Dương cho biết.
Trong khi đó, ông Dũng đề nghị từ hơn 90 NH hiện nay, sau tái cơ cấu chỉ nên còn khoảng 15 với 3 mức vốn cụ thể: 4 NH “chống đỡ vi mô” có vốn quy định khoảng 3 tỷ USD; 6 NH có vốn pháp định khoảng 1 tỷ USD và 5 NH nhỏ có vốn tối thiểu 500 triệu USD.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác lại không đồng tình với quan điểm này. “Hiện nay, cả hệ thống NH với trên 90 đơn vị mà người ta vẫn phải đi vay vốn ở thị trường chợ đen, Nếu chỉ còn chưa đầy 20 NH thì thị trường cung ứng vốn sẽ như thế nào?”, vị này đặt vấn đề.
Theo vị này, việc tái cơ cấu có nghĩa là tái quản trị và phân khúc đúng thị trường cho NH để dòng vốn từ NH phủ đến nhiều tầng lớp hơn nữa. Phải có ít nhất 50 NH mới đủ để chia phân khúc thị trường theo nhu cầu vốn hiện nay.
Theo Phương Nhi
Đất Việt