Chính sách mới >> Tài chính 07/06/2017 08:10 AM

Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước

07/06/2017 08:10 AM

Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam…

Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa có bài viết về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thanh Niên đăng tải bài viết này để chia sẻ góc nhìn của Bộ trưởng về kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN.

Từ khi lý luận về “KTTT định hướng XHCN” được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam đến nay, đã có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có ý kiến còn phê phán, bác bỏ. Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn.

Trong một số cuộc trao đổi học thuật và trên một số diễn đàn, nhiều người cho rằng KTTT định hướng XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử, khó tránh khỏi sai lầm, vấp váp, cho nên phải “dò đá qua sông”. Có người thì nói, KTTT mang giá trị phổ quát của nhân loại, không cần thiết phải thêm “cái đuôi” XHCN. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, CNXH và KTTT không thể dung nạp lẫn nhau, nên gắn KTTT với CNXH là khiên cưỡng…

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không tranh luận về học thuật, mà chỉ đề cập đến các vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển của đất nước, và sự tiếp nhận của cuộc sống người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN.

Nhu cầu tự thân của cuộc sống

Trước hết, đối với Đảng ta, CNXH không phải một giáo điều xơ cứng mà chính là nhu cầu của cuộc sống. Ngay từ khi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Quốc tế III và Người nói, sở dĩ Người có sự lựa chọn này vì Quốc tế III đề cập đến con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Tập 1, H.2006, tr.112).

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ mong muốn và nhận thức đó, cũng là mong muốn và sự nhận thức của cả dân tộc ta trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị về mục tiêu của cách mạng: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.81).

Có thể nói, lời của Bác Hồ đã đưa ra chấm phá đầu tiên về mục tiêu của KTTT định hướng XHCN, bởi xét đến cùng thì không có kinh tế thị trường thì người đủ ăn khó có thể “khá giàu”, người giàu khó có thể “giàu thêm”. Và nếu không có định hướng XHCN, thì chắc chắn người nghèo khó có thể “đủ ăn”.

KTTT tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi người, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước rủi ro, tức là cơ hội để thành đạt ngang nhau, và nếu có tai biến thì việc chịu rủi ro cũng ngang nhau. Trong cơ hội và rủi ro ngang nhau đó, ai nhạy bén nắm bắt được cơ hội thì trở nên giàu có, ai không nắm bắt được cơ hội thì nghèo vẫn hoàn nghèo; ai biết lo xa đề phòng rủi ro người ấy giữ được thành quả, ai không đề phòng được rủi ro người ấy có thể trắng tay.

Để bảo đảm KTTT vận hành đầy đủ, không thể không có nhà nước pháp quyền với hệ thống luật pháp minh bạch xây dựng trên tinh thần pháp trị, ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng khi trong xã hội còn những người yếu thế, người bất hạnh không thể tự mình vươn lên nắm bắt cơ hội,… thì cần có chính sách thích hợp để họ không bị thiệt thòi, không bị bần cùng hóa.

Nhà nước tư bản phương tây vẫn tỏ ra quan tâm tới các nhóm yếu thế thông qua chính sách an sinh xã hội. Nhưng việc họ áp dụng mức thuế cao, vay nợ để thực hiện “công bằng xã hội” xét đến cùng không dành cho các thành phần yếu thế bất hạnh mà chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu với mục tiêu sâu xa là thu hút phiếu bầu.

Điều này là kết quả tất yếu của nền dân chủ với thể chế đa nguyên, đa đảng luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và các chính sách được ban hành thường là sự thỏa hiệp giữa các nhóm đa số có thế lực, khó có thể đáp ứng lợi ích các nhóm yếu thế, thậm chí còn xâm phạm lợi ích chính đáng của các nhóm này. Công bằng xã hội chỉ là trên danh nghĩa, thực tế là nhà nước phình to ra song tình trạng bất công vẫn diễn ra gay gắt.

KTTT định hướng XHCN vẫn hội đủ các yếu tố của KTTT, nhưng có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro nghiệt ngã mà tự họ không có khả năng đối phó.

Trong bối cảnh cụ thể ở nước ta, các nhóm yếu thế này chính là đông đảo nhân dân lao động, cùng những người bất hạnh, các gia đình bị thiệt thòi do phải hy sinh xương máu và của cải cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, nông dân ít ruộng đất, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp... Và việc quan tâm đến lợi ích của họ là thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Đổi mới không phải là một lý thuyết “nhập cảnh”

Trong một thời gian dài (miền bắc sau năm 1954, cả nước từ năm 1975 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước) chúng ta áp dụng kinh tế kế hoạch hóa, và một số người đã phê phán, coi đó là cơ chế kinh tế đã để lại một số di hại với quá trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trước khi phê phán lại cần nhớ rằng, kinh tế kế hoạch hóa được áp dụng trong bối cảnh hai cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài và cuộc cấm vận kinh tế tai ác kéo dài nhiều năm sau năm 1975; hơn thế nữa, chính kinh tế kế hoạch hóa đó đã bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc, biên giới tây nam, đồng thời duy trì được tiềm lực của đất nước đủ sức vượt qua cấm vận, khủng hoảng để sau năm 1986 có thể hồi sinh nhanh chóng.

Phê phán kinh tế kế hoạch hóa phải đặt trong bối cảnh lịch sử đó, nếu không sẽ không hiểu vì sao Đảng ta đã khởi xướng, tổ chức, lãnh đạo công cuộc Đổi mới và Đổi mới từ đâu tới.

Đổi mới không phải là một lý thuyết “nhập cảnh”, không phải do “sức ép” bên ngoài mà là sự đáp ứng yêu cầu từ sự chuyển động nội tại của đất nước. Không phải ai khác, chính những người cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc Đổi mới, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế KTTT định hướng XHCN.

Không phải bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội VI, mà từ trước đó rất lâu, những mầm mống của KTTT đã được những người cộng sản chân chính nuôi dưỡng, khuyến khích ngay trong “gọng kìm” kế hoạch hóa.

Chúng tôi gọi “gọng kìm” kế hoạch hóa vì cơ chế tập trung quan liêu đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội, thành định chế, thành nếp nghĩ, muốn tháo bỏ không hề dễ dàng. Các đảng viên cộng sản đã phải thực hiện “khoán chui”, phải “vượt rào” để thoát rào cản về cơ chế.

Giữa lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bị phê phán gay gắt do thực hiện “khoán chui” ở Vĩnh Phúc, Tổng bí thư Lê Duẩn đã đến thăm và động viên ông (Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-4-2017). Nhiều Bí thư Tỉnh ủy, được sự hậu thuẫn của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng, đã “vượt rào” xóa ngăn sông cấm chợ, xóa bao cấp, bảo vệ cách làm ăn mới ở cơ sở, mở đường cho sự vận hành của thị trường theo quy luật của nó.

Nghị quyết Đại hội VI đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong toàn Đảng, hướng kinh tế cả nước vận hành theo cơ chế thị trường. Như vậy, Đảng ta không khư khư “công thức” của CNXH theo truyền thống quốc tế, mà thực hiện CNXH theo Tư tưởng Hồ Chí Minh với mục tiêu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm để loại trừ các nhóm lợi ích chi phối…

Để bảo đảm định hướng XHCN đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vai trò chủ đạo. Có không ít ý kiến bài bác hoặc tranh cãi tư biện về sự chủ đạo này. Trong khi về đường lối và trong thực tiễn, chúng ta có một lộ trình giảm dần số lượng DNNN bằng nhiều hình thức thích hợp, như: cổ phần hóa và giao, khoán, bán, cho thuê. Thực tế số DNNN đã giảm rất mạnh theo lộ trình và theo các hình thức đó.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại một số ngành kinh tế trọng yếu và những ngành mà tư nhân chưa đủ khả năng tham gia, như doanh nghiệp công ích, với mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và giữ vai trò điều tiết để ngăn ngừa bất ổn, khủng hoảng kinh tế, cũng là để bảo vệ sự an lành môi trường làm ăn, cuộc sống của mọi người dân.

Đó là ý nghĩa của vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Vai trò này hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phương châm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động kinh tế là: Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được, nói cách khác, Nhà nước đã và sẽ lùi dần khỏi các lĩnh vực mà người dân và các thành phần kinh tế khác có thể làm. Việc cổ phần hóa một số ngành có liên quan đến an ninh quốc gia như hàng không, an ninh năng lượng như xăng dầu,… mới đây là nằm trong xu hướng đó.

Yếu tố quan trọng nhất của định hướng XHCN trong KTTT của chúng ta là vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc, Đảng không có lợi ích của riêng mình. Bởi vậy, sự lãnh đạo của Đảng là sự bảo đảm để loại trừ các nhóm lợi ích chi phối quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, đó là sự bảo đảm cho sự hiện hữu của tinh thần pháp trị.

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta, các đạo luật được ban hành không phải là kết quả của quá trình vận động và thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích chi phối cơ quan lập pháp, mà xuất phát từ nhu cầu phát triển đất nước và lợi ích phổ quát của người dân, trong đó có lợi ích của các nhóm yếu thế, nghĩa là không có chính sách hoặc đạo luật nào phục vụ cho lợi ích của người giàu mà đánh mất cơ hội của người nghèo.

Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới.

Năm 1988, quy mô GDP chưa tới 5,5 tỉ USD, GDP đầu người chỉ đạt 86 USD; đến năm 2016, GDP đã đạt 205,32 tỉ USD, tăng hơn 37 lần, GDP đầu người đạt 2.215 USD, tăng gần 27 lần so với năm 1988, rút ngắn đáng kể khoảng cách thu nhập so với các nước trong khu vực.

Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 1.508 USD (tính tròn), con số tương ứng của Việt Nam là 98 USD, khoảng cách chênh lệch tới 15,3 lần. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Thái Lan lên 5.815 USD, con số tương ứng của Việt Nam là 2.111 USD, khoảng cách rút ngắn còn 2,7 lần.

Với Philippines, năm 1990, GDP bình quân đầu người cao gấp 7,3 lần so với Việt Nam (715 USD/98 USD), khoảng cách này đến năm 2015 còn chưa tới 1,4 lần (2.904 USD/2.111 USD). Với Ấn Độ, năm 1990, GDP bình quân đầu người cao gấp 3,8 lần so với Việt Nam (375 USD/98 USD), đến năm 2015, Việt Nam đã vượt Ấn Độ (2.111 USD/1.593 USD).

Thành tựu ngoạn mục nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chiếm tới 58%, đến cuối năm 2016 đã giảm chỉ còn 8,38% (theo chuẩn nghèo mới). Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ người nghèo so với dân số của Việt Nam năm 2015 ở mức 9,8%, thấp xa so với con số tương ứng của Philippines (25,2%), Ấn Độ (21,9%), và thấp hơn cả Thái Lan (12,6%), Indonesia (11,3%).

Trên đây không phải là những con số tuyên truyền của Việt Nam về tính ưu việt của KTTT định hướng XHCN, mà là sự ghi nhận khách quan của cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, KTTT định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để thị trường có thể vận hành nhịp nhàng, đồng bộ với sự lựa chọn con đường phát triển, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình “người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” như mong muốn của Bác Hồ.

Vì vậy, việc trao đổi về thể chế KTTT định hướng XHCN là cần thiết, thậm chí cần có những tranh luận, phản biện để làm sáng rõ những vấn đề về lý luận, nhưng nếu không xuất phát từ đặc điểm lịch sử và thực tiễn của Việt Nam, thì mọi sự trao đổi, tranh luận, phản biện đều sa vào tư biện, không hữu ích cho cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cho quá trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

* Tiêu đề do Thanh Niên đặt

Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ TT-TT

Theo Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,822

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]