Ước tính, cả nước có 8 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách.
Như đã đưa tin, từ 1/7 vừa qua, theo Nghị định 47 của Chính phủ, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Có 9 nhóm đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.
Mới đây, Bộ Tài chính ban hành tiếp Thông tư 67/2017 (có hiệu lực thi hành từ 15/8/2017) hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47 và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 76/2017 của Chính phủ.
Thông tư này nêu rõ nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 47 trong năm 2017 của các bộ, cơ quan Trung ương.
Cụ thể, đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể, nguồn kinh phí gồm: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2017 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2017; sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ (sau khi đã thực hiện các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo quy định).
Trường hợp cơ quan, đơn vị sau khi đảm bảo đủ nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định mà nguồn thu dành để cải cách tiền lương còn dư lớn và có nhu cầu phát triển hoạt động, thì đề xuất phương án sử dụng, báo cáo bộ, cơ quan Trung ương quản lý để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất trước khi sử dụng.
Đồng thời, những cơ quan, đơn vị này phải cam kết tự thu xếp trong nguồn kinh phí riêng để thực hiện điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí gồm: nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2017 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2017 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện mức lương cơ sở 1,21 triệu đồng/tháng). Riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35%.
Thông tư cũng quy định rõ về nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 47 và Nghị định số 76 trong năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, để có kinh phí điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, các địa phương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2017 (không kể các khoản chi lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, địa phương cũng được sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện năm 2016 so với dự toán năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ giao; nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có)...
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối thu chi ngân sách địa phương và cam kết đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, UBND cấp tỉnh được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại theo chế độ để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn trên địa bàn cho phù hợp (đảm bảo các cơ quan, đơn vị này phải tự sắp xếp bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định).
Ngân sách Trung ương không bổ sung kinh phí để cải cách tiền lương cho các địa phương này mà sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu đối với những địa phương nghèo, ngân sách khó khăn sau khi đã sử dụng các nguồn theo quy định.
Trong một phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Cả nước có 8 triệu người, tương ứng 10% dân số hưởng lương từ ngân sách trong đó có 600.000 công chức, 2,2 triệu viên chức giáo dục, 2,1 triệu cán bộ cấp xã và hưởng phụ cấp từ ngân sách, 3 triệu người hưởng lương hưu và phụ cấp người có công”.
Do đó, việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về tinh giản bộ máy là để nâng cao chất lượng và lương cán bộ, một người làm nhiều việc
Bích Diệp
Theo Dân trí