Mức tăng của chỉ số CPI tháng 2 vừa qua rất thấp so với cùng kỳ các năm trong nhiều năm trở lại đây. Các bộ, ngành dự báo CPI tháng 3 tới tăng từ 0,5-0,7%. Như vậy có khả năng CPI quí 1 năm nay được kiềm chế ở mức 3%. Ngay cả khi giá bán lẻ xăng dầu và giá điện được điều chỉnh, các tổ chức tài chính vẫn dự báo CPI cả năm không vượt quá 10-12%.
Bất chấp sự giảm tốc của lạm phát, lãi suất đầu vào không giảm, còn lãi suất đầu ra giảm nhỏ giọt. Doanh nghiệp tiếp tục gồng mình chịu chi phí sử dụng vốn cao. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên trì giữ trần lãi suất với lý do thanh khoản của các ngân hàng vẫn là chuyện sống còn đối với cả hệ thống.
Chọn ngân hàng hay chọn cả nền kinh tế?
Kỳ hạn, cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng đang mất cân đối, điều đó đã rõ bởi nó được dồn tụ lại trong nhiều năm. Tháo gỡ vấn đề thanh khoản của ngân hàng không thể ngày một ngày hai, mà phải có lộ trình. Song như thế không có nghĩa là bắt toàn bộ nền kinh tế hứng chịu lãi suất cao để chờ ngân hàng tái cơ cấu. Cho dù ngân hàng là máu, là huyết mạch nuôi cơ thể, không thể cứ vì lợi ích của ngân hàng mà để doanh nghiệp mòn mỏi cầm hơi, không tăng trưởng.
“Kinh tế không tăng trưởng một khi lãi suất quá cao. Việc điều chỉnh lãi suất là nhiệm vụ tối quan trọng hiện nay. Hai năm qua lãi suất cao đã thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp yếu kém đã bị sàng lọc một phần. Nay sức cạnh tranh, hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào lãi suất” - đại diện một ngân hàng phát biểu. Ông kiến nghị giảm lãi suất ngay trong cuối quí 1-2012, mức giảm có thể không nhiều, thậm chí NHNN có thể giữ trần lãi suất, nhưng nên đưa trần về 13-13,5%/năm. “Nếu chỉ giảm 0,5%/năm lãi suất huy động thì tác động về mặt kinh tế của nó chưa thấm vào đâu, nhưng nó phát đi tín hiệu là lãi suất bắt đầu giảm và sẽ tiếp tục giảm. Tín hiệu này mới thực sự có ý nghĩa vì nó đánh dấu bước chuyển của chính sách tiền tệ” - ông nhấn mạnh.
Tỷ giá đang ủng hộ giảm lãi suất
Không giống như mọi năm, sau Tết tỷ giá thường căng thẳng. Năm nay từ sau Tết, tỷ giá nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. NHNN đã và đang mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Mức nhập siêu của tháng 2-2012 đã tăng mạnh so với tháng 1, nhưng tính chung cả hai tháng chỉ hơn 600 triệu đô la Mỹ, so với mức gần 2 tỉ đô la Mỹ cùng kỳ năm ngoái.
Sức ép của tỷ giá đã được giải tỏa, tiền đồng đang giữ được giá trị so với đô la Mỹ. Sự ổn định của giá trị đồng nội tệ, một phần nhờ vào lãi suất tiết kiệm cao kéo dài, như hiện nay là chấp nhận được. Tuy nhiên mọi sự đánh đổi đều phải có chừng mực. Nếu trần lãi suất huy động giảm xuống từ từ, mức giảm phân bổ theo chu kỳ cả năm, thì sẽ không ảnh hưởng tới giá trị tiền đồng, đồng thời giải quyết được đòi hỏi bức xúc là giảm lãi suất.
Mặt khác, có lẽ cũng nên xem xét kỹ lưỡng hiện tượng dịch chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng trong cơ cấu nguồn vốn gần đây của một số ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ. Do vốn huy động tiền đồng không tăng trưởng, một số ngân hàng đã tạm thời chuyển vốn huy động ngoại tệ sang tiền đồng thông qua việc để trạng thái ngoại hối ở mức âm hoặc gần âm. Điều này làm cung ngoại tệ tăng lên, nhưng là cung ảo. Tuyên bố của NHNN nếu có điều chỉnh, mức điều chỉnh của tỷ giá năm nay không quá 3% đã củng cố động thái để trạng thái ngoại hối âm của ngân hàng. Sự dịch chuyển nói trên cho thấy thanh khoản tiền đồng trong ngắn hạn ở một vài ngân hàng đang có vấn đề.
Ngược lại với những ngân hàng vừa đề cập, hàng loạt ngân hàng khác tung tiền ra mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp xung quanh 11-12%/năm. Các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ gần đây đều chứng kiến khối lượng tham gia đặt thầu cao gấp 4-5 lần khối lượng trúng thầu. Ngay cả kỳ hạn 10 năm cũng có người mua. Có thể thấy tiền đồng đang trong tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Có nhất thiết phải sử dụng thanh khoản tiền đồng như một biện pháp dai dẳng để tiếp tục gây sức ép lên những ngân hàng yếu kém một khi những ngân hàng này đã lộ diện và đã bị xếp vào nhóm bốn? Và nếu không còn cần thiết, thì đã đến lúc các giải pháp thị trường thay thế giải pháp hành chính. Trần lãi suất đã đứng một năm nay, liệu nó còn đứng thêm bao lâu nữa? Mọi sự lạm dụng đều phải trả giá. Ngay cả những tiếng nói của giới tài chính quốc tế về tình hình vĩ mô của Việt Nam gần đây đã dịu đi nhiều, không còn gay gắt như trước. Họ đã nhìn thấy sự cải thiện của kinh tế vĩ mô trong sự gia tăng chậm lại của CPI, sự ổn định tương đối về thanh khoản trong những ngân hàng lớn vốn chiếm 85% thị phần hoạt động ngân hàng. Họ mạnh dạn phỏng đoán lãi suất sẽ giảm vào tháng 3 hoặc đầu quí 2. Lẽ nào NHNN không thấy những điểm tương tự, và nếu thấy lẽ nào không có những chuyển biến hành động trong chính sách điều hành?
Theo Lưu Hảo
TBKTSG