Chính sách mới >> Tài chính 10/03/2012 08:23 AM

NĐT chơi vơi trong khoảng trống pháp lý

10/03/2012 08:23 AM

Với vai trò cơ quan quản lý, UBCK có thể làm rõ hơn các quy định pháp luật. Đây là nhu cầu của thị trường.

Khi thị trường đi xuống, ngày càng nhiều tranh chấp giữa NĐT và CTCK lộ diện. Hiện có 4 CTCK đang thực hiện việc chuyển giao tài khoản của NĐT để ngừng nghiệp vụ môi giới. Một số NĐT phản ánh về tình trạng CTCK khất lần hoặc chối quanh về việc chuyển tài khoản sang CTCK mới. Một số NĐT có tranh chấp với CTCK đã gửi đơn thư khiếu nại các nơi. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cơ quan nào sẽ đứng ra hỗ trợ nhà đầu tư xử lý loại tranh chấp này. Chưa kể, các CTCK còn lại tồn tại nhiều vấn đề xung quanh các dịch vụ mang dáng dấp cho vay như hợp đồng hợp tác đầu tư, cho vay ứng trước T+2…, nhưng nhiều vụ việc rơi vào vòng luẩn quẩn khi nhà đầu tư kêu cứu hết cửa này, cửa khác vẫn chưa thấy một cơ quan đứng ra phân xử vụ việc của mình.

Ghi nhận của ĐTCK cho thấy, khi có tranh chấp, cơ quan quản lý đầu tiên mà NĐT gõ cửa kêu cứu là UBCK. Tuy nhiên, vì UBCK không có chức năng phân xử đúng sai, nên những mong đợi của NĐT thường khó đạt được. Thông thường, khi có đơn thư của NĐT, cơ quan này sẽ thành lập Tổ xác minh, ghi nhận kiến nghị, phản ánh của NĐT và yêu cầu CTCK mời NĐT lên làm việc, giải quyết. Tổ xác minh cũng tiến hành kiểm tra, làm việc với CTCK, song mức độ kiểm tra, kiểm soát thường chỉ là xem CTCK có tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật không và xử lý ở mức “sai đâu phạt đấy” để đảm bảo các thành viên tham gia thị trường phải tuân thủ cùng một luật chơi. Nếu hai bên vẫn không thể đạt được sự nhất trí, thì khuyến cáo dành cho NĐT là khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng có đủ khả năng tài chính và thời gian để theo đuổi vụ kiện. Chưa kể, ngay cả khi được thụ lý thì vẫn còn nhiều thách thức phía trước đang chờ NĐT.

Thực tế, việc giải quyết tranh chấp là trách nhiệm của bộ máy tư pháp, song khi có nhiều tranh chấp, vấn đề nổi cộm trên thị trường, thì khía cạnh quản lý của UBCK cần nghiên cứu hoàn thiện thêm các văn bản hướng dẫn và có hướng hỗ trợ phân giải các vụ việc. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, trong những tranh chấp có liên quan đến các dịch vụ, sản phẩm khi áp dụng chưa được phép và ảnh hưởng không tốt đến thị trường thì UBCK có thể đưa ra quan điểm cứng rắn: xếp đó vào hành vi, giao dịch bị cấm. Nếu các bên cố tình vi phạm thì phải chịu mọi hậu quả, trách nhiệm do thực hiện hành vi này.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật ngân hàng - chứng khoán - đầu tư nhận xét, theo suốt quá trình vận động của TTCK với nhiều vụ việc phát sinh, ông cho rằng, UBCK cần làm tốt hơn khâu quản lý, ngăn ngừa trước rủi ro bằng các quy định pháp lý. Chẳng hạn, UBCK đã có Công văn 2327 hướng dẫn Thông tư 74/2011/TT-BTC về giao dịch chứng khoán, nhưng nhiều vấn đề vẫn bị bỏ ngỏ, đặc biệt là dịch vụ có tính chất tín dụng. Đối với ngân hàng, khi cho vay, họ có quy chế chặt chẽ từ thẩm định, tài sản đảm bảo, xử lý nợ… Trong khi đó, CTCK lấn sân sang hoạt động cho vay nhưng lại không có quy định điều tiết rõ ràng, chỉ có hướng dẫn chung chung.

Đối với hành vi, giao dịch thực hiện trước khi pháp luật cho phép, UBCK cần có quan điểm chuyên môn thể hiện dưới dạng văn bản pháp quy để thị trường lấy đó làm nguyên tắc ứng xử. Chẳng hạn như các quy định chuyển tiếp đối với hợp đồng hợp tác đầu tư phát sinh trước khi Thông tư 74 có hiệu lực, UBCK chưa có hướng dẫn xử lý nào, vì thế, tranh chấp, khiếu kiện diễn ra khá phổ biến.

Trong Công văn 2327, UBCK đã “tuyên” vô hiệu và không thừa nhận các hợp đồng ủy quyền trái với quy định tại Thông tư 74. Tương tự như vậy, đối với một số hợp đồng dịch vụ như các hợp đồng hợp tác đầu tư, cho vay ứng trước T+2…, UBCK cũng có thể “tuyên” vô hiệu nếu thấy cần thiết.

“Tòa án là sân sau cho công tác bảo vệ pháp luật. Pháp luật không rõ ràng, Tòa án bất khả thi. Là vai trò cơ quan quản lý, UBCK có thể làm rõ hơn các quy định pháp luật. Đây là nhu cầu của thị trường, vấn đề là cơ quan quản lý cần có quyết tâm làm ngay, làm nhanh để góp phần giải quyết và hạn chế dần những tranh chấp pháp lý”, ông Trần Minh Hải nói. 

Trong vụ tranh chấp giữa NĐT Trần Thị Vượng và CTCK Trường Sơn, sau khi nhà đầu tư có đơn thư gửi tới UBCK, NĐT đã được mời lên làm việc với Tổ xác minh. Biên bản làm việc ghi rõ: yêu cầu CTCK Trường Sơn phải mời NĐT lên làm việc, giải quyết. Nhưng đến nay, sau khoảng 2 tháng, CTCK Trường Sơn cũng không thực hiện yêu cầu của UBCK. NĐT vẫn loay hoay chưa biết phải làm sao để có thể đòi được tài sản của mình.

Bùi Trang

Đầu tư chứng khoán

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,812

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]