Thông tin trần lãi suất huy động về mức 13%/năm được xã hội đón nhận với những cảm xúc trái chiều. Giới doanh nghiệp hồ hởi bởi trần lãi suất huy động giảm thêm 1% đồng nghĩa với lãi suất cho vay sẽ giảm theo tương ứng. Điều này là hết sức có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay bởi với mức lãi suất vay lên đến 20%/năm thì không mấy doanh nghiệp dám vay và có vay thì mức sinh lời dự án khó đạt mức 20% để có thể thanh toán đủ lãi vay của ngân hàng.
Trái với sự hồ hởi từ phía doanh nghiệp đi vay, người gửi tiền chuyển sang tâm trạng đắn đo và cân nhắc rất kỹ trước quyết định gửi tiền tại ngân hàng. Mặc dù nhiều lãnh đạo cũng như chuyên gia nhận định rằng lạm phát trong năm 2012 hoàn toàn có thể kiểm soát dưới 10%, người dân đã bắt đầu lo lắng khi giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm, đã rục rịch tăng giá sau khi giá xăng tăng hơn 2.000 đồng/lít.
Theo Cục trưởng cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, nếu tính đúng và đủ thì giá xăng có thể tăng từ 4.000 đến 5.000 đồng/lít chứ không phải chỉ là mức 2.100 đồng như vừa qua. Với áp lực từ việc tăng giá xăng dầu vẫn còn cao thì mức lãi suất huy động 13%/năm sẽ khó có khả năng bù đắp trượt giá do lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng: Được phép nhưng thận trọng
Trong khi doanh nghiệp, người dân gửi tiền đón nhận tin hạ lãi suất với tâm trạng khác nhau thì các ngân hàng thương mại đang hết sức chật vật khi phải giải bài toán kép huy động và cho vay. Trần lãi suất huy động 13% làm giảm tính cạnh tranh của việc gửi tiền vào ngân hàng so với các kênh đầu tư khác. Điều này buộc các ngân hàng phải luôn ở thế phòng thủ khi huy động vào nhưng không dám cho vay vì sợ người gửi tiền có thể đột ngột quyết định rút tiền để đầu tư vào các hình thức khác.
Ngoài việc lo ngại rủi ro thanh khoản, các ngân hàng còn đang lo lắng về khả năng trả nợ của khách hàng khi hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả; thậm chí có khách hàng có khả năng chi trả nhưng vẫn không trả nợ đến hạn vì sợ sẽ không vay lại được. Hai từ “uy tín” đang là thứ xa xỉ trong quan hệ vay - trả giữa ngân hàng và khách hàng trong giai đoạn hiện nay.
Từ thực trạng đó, nhiều ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm 1 hoặc 2 như Vietcombank, ACB, Sacombank, Seabank, Navibank, OCB, Đại Á,… với mức tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2012 tối đa lên đến 17% hoặc 15% vẫn tỏ ra hết sức thận trọng trong việc chọn lựa khách hàng vay vốn.
Không tăng trưởng tín dụng các TCTD khó có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận với cổ đông nhưng nếu cho vay mà không có khả năng thu hồi thì tăng nợ xấu ngân hàng cũng như tăng rủi ro đối với người gửi tiền. Tăng trưởng tín dụng trở thành nan đề đối với các ngân hàng thương mại.
Thanh Hải
Theo TTVN