Nội dung này được đề cập tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 do Chính phủ ban hành ngày 06/01/2023.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết 01 là tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.
Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Hướng dẫn triển khai Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục rà soát hoàn thiện khung pháp lý với tiền điện tử, tiền ảo (Hình từ internet)
Đây là nội dung tại Quyết định 2146/QĐ-BTC ngày 12/11/2021 về Kế hoạch tổng thể tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam".
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước để xây dựng cơ sở cho việc quản lý tiền ảo phù hợp với thông lệ quốc tế để tránh những vấn đề về trốn thuế, rửa tiền thuế.
Nhiệm vụ này sẽ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Tổng cục Thuế.
Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021.
Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian thực hiện: 2021-2023.
Hiện nay, theo Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/07/2017 gửi Văn phòng Chính phủ đã khẳng định:
"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)”.
Do đó, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Vì vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Hiện các cơ quan quản lý đang ở mức độ tuyên truyền, đưa ra những cảnh báo với nhà đầu tư.