Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023.
Năm 2023, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng, những biến động kinh tế thế giới chắc chắn sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động của DN, người dân.
Chủ động theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp phát sinh trên khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của DN, tổ chức; giảm tiền thuê đất phải nộp.
Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất năm 2023. Việc gia hạn thuế sẽ là biện pháp kịp thời hỗ trợ cho các DN và người dân gặp khó khăn thông qua giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất thời gian gia hạn cụ thể như sau: gia hạn 06 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 05 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023, gia hạn 04 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2023, gia hạn 03 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án này thì tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2023 và quý I, quý II/2023 là khoảng từ 64.000 đến 65.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2023 không giảm do DN phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2023.
Đề xuất gia hạn 03 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Ước tính số tiền thuế TNDN gia hạn khoảng 42.800-43.600 tỷ đồng.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNCN năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023. Số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 272 tỉ đồng.
Về tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn 6 tháng thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31.5.2023 đến ngày 30.11.2023. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỉ đồng.
Đề xuất gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về hai phương án liên quan đến việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính đã nêu rõ ưu điểm, nhược điểm đối với cả 2 trường hợp là gia hạn và không gia hạn loại thuế này.
Theo đó, với trường hợp gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, cả nước có tổng cộng 12 DN sản xuất, lắp ráp ô tô. Trải qua quãng thời gian dịch bệnh bùng phát với nhiều khó khăn, thách thức, với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã phục hồi mức tăng trưởng và doanh số năm 2022 vượt năm 2019.
Tuy nhiên, căn cứ số liệu kê khai của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, sản lượng và số thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang giảm dần. Tháng 10/2022, sản lượng kê khai 25.571 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.884 tỷ đồng. Con số này giảm còn 9.766 xe với số thuế TTĐB phát sinh là 1.442 tỷ đồng trong tháng 1/2023.
“Với những khó khăn, thách thức nêu trên, việc tiếp tục hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh cần thiết. Hơn nữa, hết thời gian gia hạn, DN sản xuất, lắp ráp ô tô phải nộp đủ số thuế vào NSNN” - Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ đối tác liên quan quy định về đối xử quốc gia của Tổ chức Thương mại thế giới WTO và Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Do đó, thời gian áp dụng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không nên kéo dài.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án: gia hạn thời hạn nộp Thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế sau gia hạn muộn nhất ngày 20/11/2023. Với phương án gia hạn nộp thuế nêu trên, tổng số Thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế khoảng 10.400 - 11.200 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp không gia hạn nộp Thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có ưu điểm giúp Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định về đối xử quốc gia của WTO và các Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia. Trong đó, có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, phương án này sẽ khiến thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức như lãi suất ngân hàng tăng cũng như những dự đoán về tình hình khó khăn của thị trường tài chính, tín dụng trong năm 2023.
Đề xuất giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN, người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023 nhằm hỗ trợ DN, người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Theo dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2023 và đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Trường hợp, được cấp có thẩm quyền quyết định thì sẽ góp phần hỗ trợ cho các DN, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân có điều kiện để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Theo Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế