Phòng ngừa tham nhũng là vấn đề thuộc về đạo đức của doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức hội thảo công bố “Bộ công cụ hướng dẫn các bước đi thực tế phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp” vào ngày 21-10 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, từ lâu nay, tham nhũng là một vấn nạn trên toàn thế giới và có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù Đảng và Chính phủ nước ta đã nỗ lực với nhiều biện pháp đẩy lùi tham nhũng, tuy nhiên, vấn đề này cần sự chung tay của nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI cho hay, theo điều tra của VCCI, việc tiếp cận các thông tin hữu ích, giảm thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh… đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc tạo sân chơi bình đẳng vẫn chưa hiệu quả, số doanh nghiệp phàn nàn về các chi phí không chính thức vẫn tăng lên, trong đó, 65% doanh nghiệp tỏ ý quan ngại về tình trạng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc khi làm việc với các cơ quan Nhà nước.
Với nhận thức khu vực tư nhân cũng là một phần giải pháp phòng chống tham nhũng, ông Vinh cho biết, Chính phủ đang xây dựng chương trình để cùng doanh nghiệp chung sức phòng chống tham nhũng, cung cấp cho doanh nghiệp thông tin và công cụ phòng ngừa rủi ro tham nhũng, ngăn chặn hành vi tiếp tay cho tham nhũng.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã có dự án hợp tác với Đại sứ quán Anh để tiến hành nghiên cứu, xác định rõ mức độ tham gia của doanh nghiệp, xây dựng phương hướng, biện pháp phòng ngừa… Ngay trong Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã quy định chặt chẽ về hành vi tham nhũng của doanh nghiệp.
“Luật Phòng chống tham nhũng đang dự thảo sẽ dành một chương về chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh, trong đó nêu cao vai trò của công khai minh bạch trong kinh doanh, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng, quy định rõ hoạt động kê khai tài sản…”, ông Tuấn Anh cho biết.
Chính từ tầm quan trọng nêu trên, VCCI đã lựa chọn và phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước và Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế (IBLF Global) biên soạn lại bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng dựa trên kinh nghiệm quốc tế của nhóm các nước phát triển G20 nhằm phù hợp với môi trường và hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bộ công cụ được kỳ vọng sẽ là tài liệu hữu ích nhằm đưa ra các hướng dẫn cụ thể mà các doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hành để phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức, giúp quản trị rủi ro tốt hơn, chuyên nghiệp hóa trong hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Brook Horowitz, Giám đốc điều hành IBLF Global nhận định, các doanh nghiệp nhỏ dễ gặp phải và chịu tác động bởi tham nhũng hơn, do các doanh nghiệp lớn có đội ngũ cán bộ tuân thủ giám sát nhân viên hay cán bộ kiểm toán nội bộ kiểm tra từng giao dịch… Do vậy, bộ cẩm nang sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tự phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp.
Nhìn chung, phòng ngừa tham nhũng không phải làm tăng thêm các quy định hành chính hay ràng buộc về pháp lý mà thuộc về đạo đức của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có sự phát triển bền vững hơn, giúp kinh doanh minh bạch và hiệu quả.
Hương Dịu
Theo Báo Hải quan