Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị (Hình từ internet)
Đây là nội dung tại Chỉ thị 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 về tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
Cụ thể, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan.
Tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không chủ động và thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cả về mặt chính quyền và vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng.
Thanh tra Viện kiểm sát các cấp có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương kịp thời xác minh, điều tra để xử lý nghiêm minh các vụ, việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tăng cường phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong việc phát hiện vi phạm, tội phạm, xác minh thông tin, kiểm tra nguồn tin, điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác kiểm soát nội bộ không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chống tham nhũng; đảm bảo giữ uy tín, hình ảnh của Ngành trong thực thi nhiệm vụ này.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp chú trọng rà soát, tổng hợp những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời kiến nghị khắc phục, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện thể chế để không thể bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Trang tin điện tử trong Ngành thực hiện tốt vai trò nòng cốt, định hướng nội dung tuyên truyền về kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền những đơn vị, cá nhân điển hình tiêu biểu có nhiều thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thu hồi tài sản...
Khen thưởng, động viên kịp thời, bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xem thêm nội dung tại Chỉ thị 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023.