Chính sách mới >> Tham nhũng 01/08/2014 15:29 PM

Công khai thuế khoán, cán bộ thuế hết “ăn vặt”

01/08/2014 15:29 PM

“Tình trạng thuế khoán chia đôi, chia ba, người nộp thuế có lợi, cán bộ thuế có lợi chỉ có ngân sách là thất thu không biết có diễn ra phổ biến hay không, nhưng dư luận xã hội phản ánh rất nhiều”

Tổng cục Thuế đang khẩn trương hoàn tất hệ thống, quy trình để công khai hộ kinh doanh nộp thuế khoán trên cổng thông tin của ngành thuế theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Theo Quy chế Công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế khoán mới được Bộ Tài chính ban hành, trước ngày 30/1 hàng năm, ngành thuế sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế các thông tin liên quan đến hộ kinh doanh nộp thuế khoán gồm mã số thuế, tên hộ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chính, tổng doanh thu trong năm, hoặc doanh thu dự kiến và tiền thuế phải nộp...

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ công khai tên hộ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chính, thời gian nghỉ kinh doanh đối với hộ khoán tạm nghỉ kinh doanh được miễn, giảm thuế; công khai mã số thuế, tên hộ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, thời điểm nghỉ/bỏ kinh doanh...

Ngành thuế khá “đau đầu” với khoảng 2 triệu hộ kinh doanh nộp thuế khoán, bởi đối tượng này chỉ đóng góp khoảng 2-3% vào tổng số thu nội địa hàng năm, trong khi, quản lý rất phức tạp, nhạy cảm, thất thu thuế khá lớn và tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí của ngành thuế.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là địa phương có số hộ kinh doanh, cũng như số thuế khoán lớn nhất cả nước, nhưng theo ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, số thu từ thuế khoán hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng số thu nội địa trên địa bàn, nhưng ngành thuế Hà Nội mất rất nhiều nguồn lực tài chính, nhân lực, thời gian để thu thuế khoán.

Bỏ thuế khoán thì không được, vì phải bảo đảm môi trường kinh doanh và nguyên tắc đã tham gia kinh doanh thì mọi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ với ngân sách. “Nhưng quản lý thế nào, có tiếp tục ủy nhiệm thu, có nên thu thuế qua ngân hàng với đối tượng này hay không là vấn đề hết sức phức tạp. Bởi nếu cán bộ thuế không kịp thời kiểm tra, đôn đốc thì nợ thuế sẽ gia tăng, còn tăng cường kiểm tra thì mất rất nhiều thời gian, công sức và không loại trừ tiêu cực”, ông Tuấn băn khoăn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán chưa theo kịp với tiến trình cải cách và hiện đại hóa ngành thuế. Vì vậy đã dẫn tới hành vi nhiêu khê, nhũng nhiễu của một số cán bộ thuế với hộ kinh doanh và trong nhiều trường hợp, hộ kinh doanh bất bình do bị cán bộ thuế áp đặt doanh thu, mức khoán hoặc cấu kết, thỏa thuận để trục lợi. “Tình trạng thuế khoán chia đôi, chia ba, người nộp thuế có lợi, cán bộ thuế có lợi chỉ có ngân sách là thất thu; tình trạng cán bộ thuế “ăn vặt” của hộ kinh doanh nộp thuế khoán không biết có diễn ra phổ biến hay không, nhưng dư luận xã hội phản ánh rất nhiều”, người đứng đầu ngành tài chính nói.

“Chúng tôi tiếp xúc cử tri, nhiều bà con tiểu thương phản ánh, hoạt động kinh doanh của họ vẫn thế, vẫn có từng ấy hàng hóa, doanh thu hàng hóa, dịch vụ không phải năm nào cũng tăng, thậm chí nhiều năm gần đây bị giảm do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng thuế khoán năm nào cũng tăng khiến thu nhập của người kinh doanh bị giảm xuống, có nơi tiểu thương phải đóng cửa hàng, bỏ kinh doanh một phần do ế ẩm, một phần do số thuế mà ngành thuế giao khoán không hợp lý”, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam phản ánh.

Thực trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “ăn chia tiền thuế”, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là do “chưa có sự công khai, minh bạch trong quản lý thuế khoán”.

Để chấm dứt tình trạng này, ông Dũng cho rằng, ngành thuế không chỉ công khai các thông tin cơ bản về hộ kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế mà ở dưới địa phương cũng phải công khai thông tin về hộ kinh doanh thuế khoán tại trụ sở UBND cấp xã để bản thân người nộp thuế tự giám sát lẫn nhau.

“Công khai minh bạch về hộ kinh doanh nộp thuế khoán, số thuế phải nộp, loại thuế phải nộp không chỉ góp phần tăng thu ngân sách, giảm chi phí của ngành thuế do giảm được thời gian, công sức trong quản lý thuế, mà còn góp phần chống tiêu cực trong nội bộ ngành thuế vì hiện tượng “ăn vặt”, chia đôi, chia ba tiền thuế được chính người nộp thuế và người dân giám sát”, ông Dũng nói.

“Công nghệ thông tin phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển rất mạnh, ở đâu cũng có mạng Internet, mạng 3G nên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ ai cũng có thể tra cứu được tình hình chấp hành ngân sách của hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Vì vậy, công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế khoán trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế là biện pháp tối ưu để người nộp thuế giám sát cơ quan thuế, giám sát lẫn nhau và người dân giám sát người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ giảm thiểu được tình trạng tiêu cực trong ngành thuế”, ông Dũng nói thêm.

Mạnh Bôn

Theo Báo Đầu tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,568

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]