Cơ quan thi hành án dân sự bế tắc vì khó xác minh do biệt thự “khủng” luôn cửa đóng then cài. Ảnh: Đỗ Hoàng.
Tắc thu hồi tài sản
Phiên phúc thẩm vụ cố ý làm trái tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ngày 30/8/2012, TAND Tối cao đã tuyên phạt bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Tàu thủy (CNTT) Nam Triệu, mức án 11 năm tù. Đồng thời, tòa tuyên buộc bị cáo Vũ phải chịu án phí dân sự hơn 132 triệu đồng và bồi thường cho Công ty CNTT Nam Triệu số tiền thiệt hại hơn 24,4 tỷ đồng cùng lãi suất chậm thi hành án.
Cục THADS thành phố Hải Phòng được giao trách nhiệm thi hành thu hồi tài sản đối với bị cáo Trần Quang Vũ. Năm 2013, Cục THADS thành phố Hải Phòng đã ra quyết định thi hành án bản án 454/2012/HSPC của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đối với ông Trần Quang Vũ. Bước đầu, Cục THADS thành phố Hải Phòng đã tiến hành xác minh tài sản liên quan của bị cáo Trần Quang Vũ gồm một căn biệt thự tọa lạc trên con đường Lê Hồng Phong đẹp nhất Hải Phòng, một căn hộ chung cư cao cấp ở khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (Hà Nội) và một căn nhà ở số 40 ngõ 11, đường Hai Bà Trưng (quận Lê Chân, Hải Phòng).
Cơ quan THADS xác định căn nhà ở ngõ 11, đường Hai Bà Trưng (Hải Phòng) là tài sản chung của vợ chồng bị cáo Vũ nên đã tiến hành kê biên xử lý thu hồi được 249,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến đây công tác thi hành án thu hồi tài sản của ông Vũ gần như bế tắc bởi vấp phải khó khăn trong việc xác minh tài sản giá trị lớn là căn biệt thự ở Hải Phòng và căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội.
Biệt thự “khủng” của… bố mẹ vợ
Căn biệt thự được cho là của gia đình ông Trần Quang Vũ mà Cục THADS thành phố Hải Phòng xác minh nằm tại thửa 1 lô 8 dự án ngã 5 - sân bay Cát Bi. Đây là căn biệt thự hoành tráng cao 4 tầng trên khuôn viên 425m2 đất nằm ngay mặt con đường Lê Hồng Phong đẹp nhất Hải Phòng (phường Đông Khê, quận Ngô Quyền). Căn biệt thự được xây dựng và hoàn thành vào đúng thời điểm ông Vũ bị bắt để điều tra về hành vi cố ý làm trái khi phá dỡ tàu Bạch Đằng Giang bán sắt vụn.
Khi chấp hành viên của Cục THADS thành phố Hải Phòng xác minh với biệt thự này, ông Vũ cho rằng đây là tài sản của vợ và gia đình nhà vợ. Ông Vũ còn “hứa” sẽ động viên gia đình vợ và vợ tự nguyện nộp một phần theo giá mua ban đầu để thực hiện nghĩa vụ cho mình. Theo Cục THADS Hải Phòng, vợ ông Vũ cho rằng căn biệt thự này đã không còn thuộc sở hữu của vợ chồng bà mà là tài sản của bố mẹ bà. Chấp hành viên xác minh từ chính quyền địa phương nhưng tài liệu thu thập được chưa đủ xác định chủ sở hữu cũng như sử dụng thực tế.
Cuối tháng 11/2014, chấp hành viên Cục THADS thành phố Hải Phòng phối hợp với Trại giam Hoàng Tiến (nơi ông Vũ chấp hành án tù) thông báo cho ông Vũ sẽ tiến hành kê biên căn biệt thự này. Ông Vũ nói sẽ tự nguyện chấp hành bản án, đề nghị cơ quan THA làm rõ tài sản nào của ông thì xử lý theo quy định.
Trên thực tế, căn biệt thự từ nhiều năm nay luôn đóng cửa im ỉm. Phía ngoài biệt thự có treo một tấm biển biệu của Công ty TNHH Việt Đức. Theo Công an phường Đông Khê (quận Ngô Quyền), căn biệt thự này không có ai đăng ký thường trú, tạm trú, khi cảnh sát khu vực kiểm tra cũng không gặp được ai. Mặc dù có biển hiệu nhưng chủ doanh nghiệp không trình báo với cơ quan chức năng và không thấy có hoạt động nào của doanh nghiệp tại địa chỉ này.
Tương tự, việc xác minh căn hộ chung cư cao cấp số 706 nhà 17T6 thuộc khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, cơ quan thi hành án cũng vấp phải khó khăn do các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ chung chung. Cụ thể, Cục THADS thành phố Hải Phòng đã 2 lần gửi văn bản đề nghị Tổng Công ty CNTT Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cung cấp thông tin chủ sở hữu căn hộ này nhưng thông tin trả lời quá mơ hồ chưa đủ căn cứ để xác định chính xác chủ sở hữu.
Do những vướng mắc này, cuối năm 2014, Cục THADS thành phố Hải Phòng đã có báo cáo Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) về quá trình thi hành bản án vụ Vinashin đối với bị cáo Trần Quang Vũ. Theo báo cáo này, Cục THADS thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục xác minh nhằm làm rõ quyền của ông Vũ đối với căn biệt thự trên mặt đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng), nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành kê biên xử lý. Căn hộ chung cư số 706 nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính cũng sẽ được xác minh tiếp để xử lý hoặc ủy thác cho cơ quan thi hành án sở tại thực hiện theo quy định của pháp luật.
Biệt thự không “sổ đỏ”, xây dựng không phép Căn biệt thự được cho là của gia đình ông Vũ trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng) mà Cục THADS thành phố Hải Phòng đã thông báo cho ông Vũ sẽ tiến hành kê biên nằm trong lô 8A dự án Ngã 5-Sân bay Cát Bi. Đây là một trong những căn biệt thự được đánh giá hoành tráng nhất Hải Phòng, có giá trị hàng chục tỷ đồng. Theo UBND quận Ngô Quyền, lô đất xây dựng căn biệt thự này được mua từ chủ đầu tư thứ phát là Công ty Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng. Tuy nhiên, do Công ty Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng không nộp tiền sử dụng đất nên các chủ hộ có đất tại lô 8A này chưa được cấp “sổ đỏ”. Căn biệt thự “khủng” được cho là của ông Vũ cũng không có “sổ đỏ” và không được cấp phép xây dựng. Do không được cấp “sổ đỏ” và giấy phép xây dựng nên chính quyền phường, quận không nắm được người chủ căn biệt thự này là ai. |
Đỗ Hoàng