Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, VOV.VN phỏng vấn bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, trong đó có cả vụ việc “bôi trơn làm sổ đỏ” ở Hà Nội.
PV: Thưa bà, hàng loạt vụ việc tiêu cực bị tố giác, nhưng cuối cùng lại không được giải quyết đến đầu đến đũa vì “không có bằng chứng”. Ý kiến của bà về thực tế này?
Bà Lê Thị Nga: Tham nhũng ở đây là hối lộ thì thường phải là có hai người, người nhận và người đưa. Đối với người đưa hối lộ pháp luật hiện nay quy định xử lý cả người đưa hối lộ lẫn người nhận. Theo điều 249 Bộ Luật hình sự, nếu người đưa hối lộ tự giác thì có một vài trường hợp được miễn. Cho nên dẫn đến việc thực trạng tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khá nghiêm trọng nhưng những thông tin để đánh giá thì rất khó.
Những vụ liên quan đến chạy công chức, hay phản ánh tình trạng bôi trơn sổ đỏ chỗ này chỗ kia do cả Đại biểu Quốc hội và người dân phản ánh mà cơ quan tiếp nhận cứ đòi chứng cứ thì sẽ rất khó khăn.
Rõ ràng, Đại biểu Quốc hội cũng qua nhiều kênh để tiếp nhận thông tin và phản ánh nhưng người phản ánh với đại biểu họ cũng ngại bị đưa vào cuộc, bị liên lụy nên người ta không đưa chứng cứ. Thêm nữa, ĐBQH cũng không phải là người đi điều tra, nên chỉ tiếp nhận phản ánh của dân. Thế nhưng bằng cảm quan thì người đại biểu đánh giá phản ánh đó là có, dù ở mức độ khác nhau nhưng tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, chung chi, bôi trơn… là có (chạy việc, dịch vụ y tế….) là tương đối phổ biến chứ không phải là không.
Nay yêu cầu phải cung cấp chứng cứ trong khi người đưa chứng cứ lại không được bảo vệ tốt. Thay vì việc yêu cầu như vậy thì chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng như thanh tra, công an, phải thật khách quan tập trung định hướng điều tra theo dõi vào những lĩnh vực và những vụ việc cụ thể mà đại biểu và người dân phản ánh để xử lý. Và điều quan trọng hơn là phòng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan tiếp nhận tố cáo tham nhũng chưa có thiện chí. Đây có phải là một rào cản trong công tác phòng, chống tham nhũng, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga: Đánh giá đó là đúng. Bây giờ, trước hết chúng ta hỏi người dân xem tình trạng đó có không. Cán bộ biết, người dân cũng biết, tại sao cơ quan đó không biết? Đó là vô lý! Vấn đề là thực sự anh có cầu thị không để xử lý thực trạng mà nhiều người đánh giá là như vậy không. Thực ra, báo chí cũng nhiều người có bằng chứng. Nhưng cơ quan quản lý nói rằng, đề nghị người dân, báo chí cung cấp bằng chứng không để lại danh tính… thì hoàn toàn xử lý được những vấn đề ở rất nhiều bộ phận mà người dân nói có hiện tượng tham nhũng, tham nhũng vặt. Có những hành vi rất công khai, ví dụ trên đường giao thông…
PV: Như vậy là chính quyền không biết mà ai cũng biết. Vậy phải xử lý thế nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga: Giải pháp chống tham nhũng hàng đầu trên thế giới là công khai, minh bạch. Nhưng công khai, minh bạch của chúng ta qua những vụ việc các bạn phản ánh tôi cho rằng chưa đảm bảo. Thực tế, có rất nhiều vụ việc tất cả người dân nhìn thấy mà chỉ có chính quyền sở tại không nhìn thấy (ví dụ như xây nhà trái phép, lấn chiếm đất đai, chuyển đất nông nghiệp thành đất thổ cư…). Không thể nói chính quyền sở tại ở cấp sát dân nhất không biết được. Cũng như những tụ điểm mại dâm, ma túy ở những khu dân cư không thể nói công an khu vực không biết được. Vấn đề là có thực sự muốn làm không và pháp luật phải qui định rằng không làm không được, phải bị cách chức. Hiện nay, chế tài đó chúng ta chưa thực hiện tốt, mặc dù pháp luật rải rác đều có qui định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng, ở đâu xảy ra bảo kê, tội phạm thì chính quyền địa phương, công an phải chịu trách nhiệm. Nếu cứ đúng định hướng ấy mà làm thì sẽ có kết quả.
PV: Bà đánh giá như thế nào về việc khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng và công tác bảo vệ những người dám đứng lên tố cáo tiêu cực?
Bà Lê Thị Nga: Hiện nay, kể cả quy định của pháp luật lẫn trong thực tế việc bảo vệ người phát hiện tố cáo tham nhũng chưa tốt.
Tôi đã nhiều lần đề nghị, khi xác định tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ thì mình phải có giải pháp tương ứng. Giải pháp đó phải đo đếm được. Ví dụ, năm nay chuyển biến được bao nhiêu, năm sau chuyển biến được bao nhiêu. Thứ hai, là những đánh giá phải có chứng minh. Ví dụ, Bộ, ngành nào chống tham nhũng tốt, Bộ, ngành, địa phương nào không làm tốt thì phai chỉ ra, lấy ví dụ cụ thể, công khai vào các kỳ họp Quốc hội. Những báo cáo chỉ đích danh những nơi làm tốt và đặc biệt là những nơi làm không tốt thì có tác động rất tích cực. Còn báo cáo chung chung thì chẳng ai sợ cả. Nếu không có địa chỉ rõ ràng thì sẽ rất khó.
Ở nhiều nước cũng vậy, họ coi trọng kênh đánh giá của người sử dụng dịch vụ, đánh giá của người dân và cần có một tổ chức mang tính Nhà nước để đi lấy các đánh giá đó, giống như PAPI đang thăm dò dư luận xã hội. Bộ A, B, C… có tham nhũng không và ở những lĩnh vực nào, sau đó công khai số phiếu đánh giá của người dân. Chúng ta có dám làm như thế không?
Ví dụ, cảnh sát giao thông hiện nay còn hiện tượng nhận tiền, làm luật trên đường, có không? Hỏi vài ba triệu người dân để xem người ta trả lời, căn cứ vào đó, Bộ Công an kiểm tra lại xem ở khu vực nào, quãng đường nào là nhiều và yêu cầu người dân cung cấp.
Tôi cho rằng, đánh giá này phải từ một tổ chức Nhà nước, chứ không phải là một tổ chức quốc tế, phi chính phủ khác. Đến kỳ họp Quốc hội công khai việc đó.
PV: Theo bà, cản trở lớn nhất hiện nay trong chống tham nhũng là gì, vì thực tế, chúng ta đã có qui định thưởng tới 5 tỷ đồng cho người phát hiện tham nhũng?
Bà Lê Thị Nga: Chống tham nhũng đòi hỏi các biện pháp phải đồng bộ từ pháp luật đến tổ chức bộ máy. Nhưng theo tôi, mô hình tổ chức chống tham nhũng rất quan trọng, tức là phải có tính độc lập tổ chức của cơ quan chống tham nhũng đối với những khu vực, đối tượng có khả năng tham nhũng nhiều. Còn nếu không độc lập sẽ rất khó, tạo tình trạng người đá bóng, người thổi còi… Rõ ràng, từ năm 2005 đến nay, chúng ta vẫn băn khoăn về việc mô hình cơ quan chống tham nhũng, phải có tính độc lập và có quyền lực khá mạnh. Cũng có nhiều ý kiến như: kết hợp giữa kiểm tra Đảng với cơ quan phòng chống tham nhũng. Hiện nay, chúng ta có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì đó là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Đó là “Ban chỉ đạo”, còn cần một cơ quan có vị thế hơn, chống tham nhũng một cách độc lập. Hiện nay các cơ quan chuyên trách nằm ở Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát… cách tổ chức phân tán và chưa có cơ quan đủ mạnh. Cơ quan này phải mang tính Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Vũ Hạnh/VOV.VN thực hiện