Hàng nghìn lao động Việt Nam tại UAE bị chấm dứt hợp đồng trước hạn: Vì sao công nhân không được bồi thường?

13/07/2015 09:49 AM

Mặc dù hợp đồng lao động (HĐLĐ) đang còn thời hạn nhưng phía Cty EGSS ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với hơn 1.000 người lao động (NLĐ) Việt Nam mà không chi trả bất cứ khoản bồi thường nào.

Đại sứ Phạm Bình Đàm làm việc với đại diện người lao động tại Cty EGSS ngày 2.7.2015 (Ảnh: ĐSQVN tại UAE cung cấp).

“Ngớ người” vì hợp đồng lao động

Thời gian qua, Báo Lao Động liên tục nhận được đơn thư của đại diện cho hơn 1.000 NLĐ tại UAE) phản ánh việc họ bị Cty sử dụng LĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng không hỗ trợ khoản phụ cấp nào khiến NLĐ thiệt thòi. Trao đổi qua điện thoại với Báo Lao Động ngày 9.7, anh Nguyễn Quyết Thắng (SN 1981, quê Thạch Thất, Hà Nội) - nhân viên đang làm việc tại Cty Emirates GateWays Security Service (EGSS), UAE - cho biết, mặc dù HĐLĐ của anh với EGSS đến tháng 1.2016 mới hết hạn, nhưng ngày 1.7.2015, EGSS thông báo sẽ đơn phương chấm dứt HĐLĐ vào ngày 30.7.2015 với anh Thắng cũng như với hàng nghìn CN khác. Điều khiến Thắng và những NLĐ Việt Nam khác bức xúc là họ không được hỗ trợ bất cứ khoản bồi thường nào vì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của EGSS.

“Mới đây NLĐ còn nhận được thông tin cho rằng, ngoài số tiền 500USD mỗi CNLĐ tại EGSS được nhận sau khi hoàn thành nhiệm vụ, một số phiên dịch người Việt Nam tại EGSS đã ăn chặn số tiền lương tháng thứ 13 tương đương với 600USD EGSS trả cho CN, khiến nhiều CN bức xúc, thắc mắc”. Để minh chứng cho điều này, Thắng cho biết thêm: “Phiên dịch viên của EGSS tên là Nguyễn Văn Việt đã viết giấy xác nhận cùng một số phiên dịch viên khác ăn chặn 600USD gọi là tiền lương tháng 13 mà EGSS trả cho một NLĐ”. Anh Thắng cũng cho biết, việc LĐ Việt Nam sang làm việc tại EGSS đều được triển khai qua Cty TNHH MTV xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (Sovilaco) và Cty CP xuất khẩu lao động thương mại và du lịch (TTLC).

Cty EGSS gửi thông báo cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Ảnh: QUYẾT THẮNG

Mặc dù về nước được hơn 2 tháng nhưng khi trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Nguyễn Quán Quận (SN 1988, ở Thanh Bình, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn còn bức xúc. HĐLĐ của Quận với EGSS đến tháng 1.2016 mới kết thúc, nhưng cuối tháng 3.2015, Quận bất ngờ nhận được thông báo của EGSS đơn phương chấm dứt HĐLĐ. “Dù thời hạn HĐLĐ còn 9 tháng nhưng tôi chỉ nhận được 500USD gọi là tiền thưởng sau thời gian làm việc tại EGSS, ngoài ra không có bất cứ khoản bồi thường nào khác” - Quận cho biết. “Nếu EGSS không đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NLĐ sẽ tiếp tục được làm việc và nhận một khoản tiền lương rất lớn để giúp đỡ gia đình. NLĐ chỉ mong phía EGSS có biện pháp hỗ trợ một vài tháng lương để đỡ thiệt thòi” - Quận đề xuất.

“Không có chuyện người lao động bị ăn chặn”

Sau khi nhận được phản ánh trên, PV Báo Lao Động đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại UAE. Thông tin từ đại sứ quán cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra ngày 2.7.2015, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã làm việc với đại diện NLĐ tại UAE. Việc phiên dịch viên viết giấy xác nhận là đã cùng một số phiên dịch viên người Việt khác ăn chặn 600USD/LĐ là do bị một số NLĐ đánh đập, ép buộc. Và phía EGSS cũng đã khẳng định là đối với những trường hợp bị Cty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn chỉ được hưởng duy nhất 500USD gọi là tiền hoàn thành nhiệm vụ hay tiền thưởng sau khi làm việc tại Cty, ngoài ra không có bất cứ khoản tiền nào khác.

UAE đang là thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam (trong ảnh: Lao động Việt Nam đang làm thủ tục xuất cảnh sang UAE).  Ảnh T.L

Phía Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng nêu rõ, trong hợp đồng giữa EGSS và NLĐ Việt Nam cũng thể hiện rõ tại Điều 9 về thời hạn và chấm dứt hợp đồng là: “Hợp đồng của LĐ với EGSS có thời hạn là 3 năm và có hiệu lực cho đến khi một bên gửi văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước 01 tháng cho bên kia”. Và trước khi chấm dứt hợp đồng, phía EGSS đã gửi văn bản trước 1 tháng cho NLĐ. Như vậy về mặt pháp lý, EGSS hoàn toàn tuân thủ theo quy định của HĐLĐ đã được ký kết.

Về việc viết giấy xác nhận đã ăn chặn 600USD/LĐ của phiên dịch Nguyễn Văn Việt. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cung cấp cho Báo Lao Động bản tường trình do Nguyễn Văn Việt viết ngày 30.6.2015, trong đó nêu rõ: “Việc tôi viết giấy xác nhận cùng một số người khác ăn chặn 600USD/LĐ tại EGSS ngày 27.6.2015 là do tôi bị một số CN đánh đập và bị ép buộc phải viết, không có chuyện tôi cùng một vài người ăn chặn tiền của NLĐ”.

Việt Nam đề nghị EGSS hỗ trợ người lao động

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó TGĐ TTLC - cho biết: Hợp đồng xuất khẩu LĐ sang làm bảo vệ tại UAE được thực hiện từ năm 2009, mức lương hàng tháng là 600USD được EGSS trả trực tiếp vào tài khoản của NLĐ ở Việt Nam, NLĐ bên UAE sẽ được bao ăn, ở, mặc.

“Tôi khẳng định là không có chuyện bất cứ tổ chức, cá nhân nào ăn chặn tiền của NLĐ tại UAE, vì toàn bộ tiền lương hay thưởng đều do EGSS chuyển trực tiếp vào tài khoản của NLĐ. Phía Cty môi giới xuất khẩu không được tham gia bất cứ quy trình tiền lương, thưởng nào của NLĐ. Các phiên dịch viên làm việc tại EGSS là do Cty này trực tiếp tuyển chọn chứ không phải là người của TTLC gửi sang” - ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho biết, trước khi NLĐ sang UAE làm việc đã được học, tập huấn rất kỹ về các điều khoản của hợp đồng, do vậy không thể nói là khi bị EGSS đơn phương chấm dứt hợp đồng thì NLĐ mới “ngớ người ra” vì việc này đã thể hiện rất rõ trong hợp đồng.

“Khi biết đối tác tại UAE chấm dứt dự án bảo vệ với khoảng 4.000 LĐ Việt Nam, phía Bộ LĐTBXH cũng đã sang UAE để làm việc và đề nghị các đối tác tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc phía UAE có tiếp tục thực hiện hợp tác LĐ nữa hay không còn phải chờ thông tin từ phía UAE. Đối với các trường hợp NLĐ Việt Nam bị EGSS đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Bộ LĐTBXH cũng đề nghị EGSS hỗ trợ mỗi NLĐ thêm 1 tháng lương, tương đương với 600USD, ngoài số tiền 500USD mỗi người được hưởng như hiện tại. Tuy nhiên, phía UAE hiện vẫn đang xem xét trước đề nghị này của Việt Nam và chưa trả lời chính thức về việc này” - ông Tuấn cho biết.

UAE quyết không gia hạn hợp đồng với lao động Việt Nam: Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 12.7.2015, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, chương trình đưa quân nhân xuất ngũ đi xuất khẩu lao động từng được kỳ vọng là một trong những hướng đi nhằm giải quyết việc làm và tạo điều kiện tăng thu nhập cho bộ đội xuất ngũ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, do nhiều vấn đề về kỷ luật lao động, kích động bạo lực, phao tin không chính xác thông qua mạng xã hội… từ phía lao động Việt Nam, UAE chính thức không gia hạn hợp đồng và ký kết tiếp chương trình này. Trong tháng 8.2015, tất cả lao động dù đã hết hợp đồng hay chưa đến hạn kết thúc hợp đồng đều phải về nước.

 LÊ PHƯƠNG

Xuân Hải

Theo Báo Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,097

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]