Đi tù về không chịu bồi thường, giải quyết sao?

25/04/2016 08:06 AM

Thụ án tù về tội dâm ô đối với trẻ em xong, trở về địa phương làm ăn sinh sống nhưng không chịu bồi thường cho gia đình nạn nhân như bản án tuyên. Theo luật, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và giải quyết ra sao?

Bà Trần Thị Ư phản ánh trước đây Trần Văn Em (33 tuổi, ngụ khu vực Thới Hòa A, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) có hành vi dâm ô với con gái bà (12 tuổi) nên bà yêu cầu cơ quan công an xử lý. Sau đó gia đình Em nhìn nhận sự việc, xin lỗi và hứa sẽ bồi thường 11,5 triệu đồng nên bà nể tình xóm giềng đã làm đơn xin bãi nại cho Em để Em được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Có tiền liên hoan nhưng không bồi thường

Tháng 8-2015, TAND quận Ô Môn đã phạt Em sáu tháng tù về tội dâm ô đối với trẻ em. Ngoài ra, tòa còn ghi nhận sự thỏa thuận về việc Em đồng ý bồi thường tổn thất tinh thần 11,5 triệu đồng cho nạn nhân.

Đến nay, Em đã chấp hành xong hình phạt tù và trở về địa phương sinh sống nhưng vẫn không chịu bồi thường cho con bà Ư. Bà Ư có hỏi Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Ô Môn thì nơi đây nói là Em không có tài sản. Tuy nhiên, bà lại thấy Em vẫn hay tổ chức ăn nhậu linh đình…

Ông Nguyễn Văn Thông (Trưởng khu vực Thới Hòa A) xác nhận từ dịp tết Nguyên đán, Em đã chấp hành xong án tù, trở về địa phương và có đi làm, thậm chí còn có xe máy để đi lại. Tổ phụ nữ của khu vực cũng có cho gia đình Em mượn 20 triệu đồng để chăn nuôi nhưng hai tháng nay không thấy chăn nuôi gì. “Bà con ở đây rất bức xúc về trường hợp này. Em thụ án xong về nhà còn mở tiệc ăn mừng mấy chục két bia nhưng không trả tiền bồi thường cho cháu bé, trong khi hộ gia đình bà Ư rất khó khăn. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng xác minh, yêu cầu Em bồi thường đầy đủ thì mới đảm bảo tính răn đe và người dân mới tin tưởng pháp luật” - ông Thông nói.

trần thị ư

Bà Trần Thị Ư cho biết con bà hiện sức khỏe kém, bị trầm cảm mà gia đình lại khó khăn, đòi bồi thường mãi chưa được. Ảnh: N.NAM

Cơ quan THA cần xác minh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết theo quy định hiện hành, trách nhiệm THA phần dân sự trong án hình sự thuộc về cơ quan THA dân sự mà cụ thể ở trường hợp trên là Chi cục THA dân sự quận Ô Môn.

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), khoản 1 Điều 51 Luật THA dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014  quy định thủ trưởng cơ quan THA dân sự có quyền ra quyết định trả lại đơn yêu cầu THA trong các trường hợp: Người phải THA không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để THA. Người phải THA không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA và gia đình. Tuy nhiên, khoản 2 điều luật này cũng quy định: Khi người phải THA có điều kiện thi hành thì người được THA có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của luật này, kể từ ngày phát hiện người phải THA có điều kiện thi hành (năm năm - NV).

Như vậy, đối chiếu với vụ việc trên, khi bà Ư cung cấp thông tin mới về điều kiện của người phải THA và Chi cục THA dân sự quận Ô Môn cũng chưa đóng hồ sơ lại thì việc THA cần được tiếp tục. Chi cục THA quận cần xác minh ngay các thông tin mà bà Ư và ông Thông phản ánh để tiến hành các biện pháp theo quy định. Chẳng hạn, nếu qua xác minh thấy người phải THA mua xe máy và đứng tên sở hữu thì chi cục có quyền kê biên chiếc xe để bán đấu giá lấy tiền THA. Số tiền phải THA còn lại chỉ là 11 triệu đồng nên việc kê biên, bán đấu giá chiếc xe máy là phù hợp.

Đồng tình, luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Nếu xác minh được việc người phải THA đi làm có thu nhập hơn mức đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của họ và những người phụ thuộc thì cơ quan THA có quyền trừ vào thu nhập của người này để THA (Điều 78 Luật THA dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014). Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện theo thỏa thuận của đương sự...

Cơ quan THA sẽ động viên để thi hành xong

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chấp hành viên Luyện Ngọc Nam (Chi cục THA quận Ô Môn, người trực tiếp thụ lý vụ việc) cho biết Chi cục THA đã ra quyết định THA và tống đạt cho Em. Qua xác minh tài sản của Em thì có một căn nhà mái tôn, vách lá với diện tích 4 x 10 m, cất nhờ trên đất của mẹ ruột, đất chưa tách thửa. Sau đó Em đã tự nguyện đến chi cục nộp 500.000 đồng. Chi cục có mời bà Ư lên giao cho số tiền này nhưng bà không nhận, yêu cầu phải được nhận đủ 11,5 triệu đồng.

Về phản ánh của bà Ư cùng ông Thông về việc Em có việc làm, có xe máy đi lại, có tiền tổ chức ăn nhậu, có vay tiền hội phụ nữ..., ông Nam cho biết sẽ xác minh xem xe máy đứng tên ai, tiền vay làm gì để từ đó có hướng xử lý. Ông Nam cũng khẳng định trong trường hợp gia đình Em có khó khăn thì Chi cục THA cũng phải động viên để thi hành cho xong chứ không thể đóng hồ sơ được.

Trách nhiệm xác minh của chấp hành viên

Trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì ít nhất sáu tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA; trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ hai năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải THA thì thời hạn xác minh ít nhất một năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải THA vẫn chưa có điều kiện THA thì cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được THA về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA.

(Theo khoản 2 Điều 44 Luật THA dân sự sửa đổi,

bổ sung năm 2014)

NHẪN NAM - T.TÙNG

Theo Báo pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,965

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]