Phạm Thanh Tùng sống trong căn nhà ở thuê, mòn mỏi chờ tòa xét xử vụ án để sớm trở về lại căn nhà của mình - Ảnh: N.TRIỀU
Mười tháng qua, kể từ lúc bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành (Kiên Giang) bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, Tùng và anh trai Phạm Văn Sơn nhiều lần đề nghị tòa sớm xét xử lại nhưng đều chỉ nhận được những cái hẹn... chờ!
Làm lại từ đầu
Ngày 12-8, phóng viên Tuổi Trẻ đến nhà Phạm Thanh Tùng tại xã Bình An (huyện Châu Thành). Đây là căn nhà cấp 4 mà hai anh em Tùng và Sơn thuê để ở cũng như buôn bán kiếm sống qua ngày, sau khi bản án sơ thẩm bị TAND tỉnh Kiên Giang tuyên hủy.
Tùng ngồi đó, trên tấm nệm cũ kỹ trải dưới sàn gạch, những ngón chân khó nhọc kẹp lấy chiếc muỗng múc cơm từ chiếc tô nhựa đưa lên miệng. Đôi tay co quắp cố vươn ra để giữ thăng bằng cho thân mình gầy guộc lúc nào cũng lắc lư vì co giật.
Trước đó, tại phiên xử phúc thẩm ngày 19-9-2016, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên hủy bản án sơ thẩm tranh chấp di sản thừa kế, mà nguyên đơn là hai anh trai cùng bốn chị gái kiện hai em ruột là Phạm Thanh Tùng và Phạm Văn Sơn.
Tòa phúc thẩm giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại vì vi phạm về mặt thủ tục tố tụng.
Vụ kiện xảy ra do các anh chị yêu cầu chia đều phần nhà đất mà hai anh em Tùng và Sơn được mẹ là bà Hoàng Thị Huệ làm hợp đồng tặng cho.
Từ trước khi xảy ra vụ kiện, cho rằng bị ông Phạm Văn Luận (anh trai Tùng) đe dọa nên Tùng và Sơn không dám ở lại nhà nên căn nhà bị ông Luận chiếm giữ.
Theo tòa phúc thẩm, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, anh em Sơn - Tùng không có đơn yêu cầu phản tố đòi lại cũng như phần đất mà căn nhà tọa lạc, nhưng tòa sơ thẩm tuyên buộc ông Luận phải giao trả nhà đất cho Sơn - Tùng là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự.
Riêng bốn thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích hơn 8.300m2 đứng tên bà Hoàng Thị Huệ thì tòa sơ thẩm giao cho hai anh trai của Sơn - Tùng là Phạm Văn Truyền và Phạm Văn Luận mỗi người quản lý, sử dụng một nửa, hai ông này phải hoàn trả bằng tiền cho sáu anh chị em còn lại, mỗi người tương đương 1/8 giá trị đất.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng việc phân xử của tòa sơ thẩm cũng vi phạm tố tụng vì vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập của các đương sự.
Đó là chưa kể trong số di sản thừa kế có một thửa đất của bà Huệ bị UBND huyện Châu Thành cấp nhầm cho bà Thị Kà Đô nhưng tòa sơ thẩm không đưa bà này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
“Bản án bị hủy, phải làm lại từ đầu, hậu quả là tui với Tùng mấy năm nay không có quyền sử dụng tài sản được mẹ cho và thừa kế theo di chúc” - anh Phạm Văn Sơn bức xúc nói.
Cơ cực lại càng cơ cực hơn
Anh Sơn cho biết phần đất được mẹ di chúc để lại trước đây anh cho người khác thuê để hằng tháng lấy tiền chăm sóc cho Tùng. Sau khi xảy ra tranh chấp, những người thuê đất không thuê nữa, đến nay chỉ còn một người thuê để làm bến đậu ghe, mỗi tháng 6 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm trước đây, ông Ngô Hồng Lĩnh - người thuê đất làm bến đậu ghe - cho biết muốn được chia sẻ với anh em Tùng - Sơn. Nếu tòa công nhận quyền sử dụng của Tùng - Sơn thì ông sẽ tiếp tục thuê, nếu tòa công nhận quyền sử dụng của người khác thì ông không thuê nữa.
“Giả sử như không có tiền từ việc cho thuê đất thì không hiểu hai anh em tui phải sống bằng gì” - Phạm Thanh Tùng băn khoăn.
Tùng và Sơn cho hay không thể tưởng tượng vụ tranh chấp kéo dài đến gần bốn năm mà chưa có hồi kết. Theo anh Sơn, trong quá trình khởi kiện, các anh chị vẫn sang bán đất (được mẹ cho và được cấp giấy chứng nhận riêng) cho người khác.
“Đất mẹ cho anh chị bán hết cho người khác, rồi quay lại tranh chấp phần đất mẹ cho hai anh em tui. Vì là đất bị tranh chấp nên dù đứng tên mình nhưng tui với Tùng không thể hưởng được quyền lợi gì hết” - anh Sơn kể.
Theo hai anh em Sơn - Tùng, sau khi căn nhà được mẹ để lại bị anh trai Phạm Văn Luận tranh chấp, lo sợ bởi những lời đe dọa, anh Sơn phải bồng bế Tùng ra ngoài sống cảnh ăn nhờ ở đậu.
Lúc đầu, Tùng được ở nhờ nhà ba mẹ vợ anh Sơn, nhưng quá bất tiện bởi những sinh hoạt cá nhân của Tùng phải có người trợ giúp nên anh Sơn không thể dứt ra để làm việc kiếm tiền. Hai anh em đành ra thuê nhà gần đó vừa để ở vừa mở quán ăn nho nhỏ kiếm sống đắp đổi qua ngày.
Việc chờ đợi hầu tòa trong cảnh ăn nhờ ở đậu càng khiến một người tàn tật như Tùng nhiều lúc có suy nghĩ chán chường, thậm chí tuyệt vọng.
Tùng tâm sự: “Nếu em lành lặn thì không nói gì, đằng này em bị dị tật, sức khỏe giám định chỉ còn 15%. Em cảm thấy hơi thở mình ngày một yếu đi. Em chưa biết mình có chờ đợi được đến khi vụ kiện được tòa đưa ra xét xử lại, hay kiệt sức chết giữa chừng. Em không muốn tranh giành gì cả.
Em chỉ muốn tòa hiểu được sự chờ đợi của một kẻ tật nguyền mà sớm đưa vụ việc ra xét xử để em có thể về lại căn nhà của mình”.
Phát sinh yêu cầu mới Giải thích lý do chậm đưa vụ án ra xét xử lại, thẩm phán Lê Văn Tâm (TAND huyện Châu Thành) cho biết phải mất thời gian xác minh trường hợp bà Thị Kà Đô nhưng đến nay vẫn không biết bà này đang ở đâu và có thật hay không. Ông Tâm còn nói gần đây bà Phạm Thị Nguyên (một trong bốn chị gái của Tùng) có đơn yêu cầu độc lập về xử lý căn nhà bà Nguyên xây trên đất bà Hoàng Thị Huệ di chúc cho Tùng và Sơn. Tòa đã ra thông báo để bà Nguyên nộp án phí. “Sau khi bà Nguyên nộp án phí, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục hòa giải, nếu hòa giải không thành mới mở phiên tòa xét xử theo quy định” - ông Tâm nói. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thời gian chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự tối đa là bốn tháng, trường hợp án phức tạp không quá sáu tháng. |
NGUYỄN TRIỀU
Theo Tuổi trẻ