Đơn kêu oan
Ông Nguyễn Thành Phong, ngụ tại TP Vũng Tàu, nguyên sỹ quan An ninh nhân dân công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) có đơn phản ánh: Ngày 17-2-1992, ông bị Công an tỉnh Cửu Long bắt khẩn cấp, tạm giam, sau đó bàn giao cho Công an tỉnh BR-VT tiếp tục tạm giam để điều tra. Đến ngày 24-8-1992, ông được trả tự do, tổng cộng ông bị tạm giam 6 tháng 8 ngày.
Đơn của ông Phong phản ánh, ông không có hành vi phạm tội, ông bị bắt oan. Từ ngày ông được trả tự do đến nay, ông chưa được nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can, chưa được minh oan, chưa được phục hồi đầy đủ các quyền công dân, cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn.
Ông Phong đã làm nhiều đơn kêu oan, gửi đi nhiều nơi. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc của ông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hiện đang có sự đùn đẩy giữa các cấp, các ngành...
Ông Phong đang kể chuyện bị bắt, bị giam như thế nào với PV. |
Giở lại hồ sơ tố tụng
PV đã về BR-VT, làm việc với ông Phong, và làm việc với Viện KSND tỉnh BR-VT. Theo hồ sơ ông Phong còn lưu giữ, cũng như hồ sơ và thông tin do các cán bộ có trách nhiệm của Viện KSND tỉnh BR-VT cung cấp, ngày đó ông Phong bị bắt khẩn cấp rồi bị khởi tố, tạm giam về hành vi “môi giới hối lộ”. Sau đó, CQĐT đã đổi tội danh sang “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân”.
Ngày 24-8-1992, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh BR-VT đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Quyết định này ghi “Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân” đã rõ, không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra nữa”.
Cùng ngày, Quyết định đình chỉ điều tra bị can, Quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Phong cũng được ban hành. Các quyết định này đều do ông Trần Minh Lương - Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an BR-VT ký (Quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn ghi “Xét thấy mức độ không cần thiết phải xử lý trước pháp luật”).
Giải quyết khiếu nại
Nhiều năm qua, đơn khiếu nại, kêu oan của ông Phong đã được các cơ quan tỉnh BR-VT có văn bản trả lời (Công an tỉnh năm 2002; Viện KSND tỉnh năm 2004). Những văn bản này không dựa trên kết quả xem xét lại hồ sơ, chỉ dựa vào “Báo cáo kết thúc vụ án” của CQĐT. Theo đó, ông Phong đã có hàng loạt hành vi sai phạm ở mức độ xử lý hình sự, nhưng CQĐT thấy “chưa đến mức đề nghị truy tố”.
Trong việc giải quyết khiếu nại của ông Phong, đáng chú ý có Công văn ngày 8-4-2005 của Viện KSND Tối cao. Qua nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND Tối cao thấy các CQĐT trong vụ án này đã điều tra tổng cộng... 14 hành vi của ông Phong, song “chỉ đủ cơ sở xác định 02 hành vi có dấu hiệu phạm tội”.
Công văn của Viện KSND Tối cao nhận định tiếp: “Công an tỉnh BR-VT không tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ để xử lý, mà lại ra quyết định đình chỉ điều tra là sai. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1999, thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi này, nên không phục hồi điều tra nữa”.
Oan hay không oan?!
Các văn bản giải quyết khiếu nại của ông Phong còn kéo dài đến tận năm 2011, liên quan đến nhiều cơ quan như Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... Tuy nhiên, hiện chưa cơ quan nào kết luận việc bắt giam ông Phong như vậy là oan hay không oan.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc xác định ông Phong có bị oan không, phải căn cứ hồ sơ vụ án và tham chiếu các quy định pháp luật. Tại các văn bản đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Phong, CQĐT đều không trích dẫn điều luật áp dụng. Tuy nhiên, theo kết quả giải quyết khiếu nại của Viện KSND Tối cao, đối chiếu với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, có thể thấy ngày ấy ông Phong được đình chỉ điều tra theo điểm b khoản 1 Điều 139 của Bộ luật này (đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm).
Các chuyên gia pháp luật nhận định, theo các quy định pháp luật hiện hành, với lý do đình chỉ điều tra như vậy, ông Phong được xem là bị khởi tố, bắt giam oan, cần được minh oan và bồi thường.
Theo Tiền Phong