Vụ kiện 55,5 triệu USD: Tòa xử sai thẩm quyền?

14/01/2013 09:20 AM

Có thẩm phán cho rằng việc TAND quận 1 (TP.HCM) xử sơ thẩm vụ kiện đình đám này là sai hướng dẫn của TAND Tối cao nên có khả năng bản án sẽ bị hủy...

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, vụ kiện này gây xôn xao dư luận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam có vụ tranh chấp tiền thắng cược lên tới cả hơn nghìn tỉ đồng.

 

Tòa quận xử sơ thẩm là sai?

Một vấn đề mà nhiều bạn đọc thắc mắc là trong vụ kiện, nguyên đơn - ông Ly Sam là Việt kiều Mỹ. Mặt khác, số tiền tranh chấp quá lớn. Như vậy, thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ kiện này thuộc về TAND quận 1 (tòa cấp huyện) hay TAND TP.HCM (tòa cấp tỉnh)?

 

Theo Chánh án TAND quận 1 Mai Xuân Bình (người giải quyết vụ án), trước đây TAND quận 1 từng đề nghị TAND TP.HCM rút hồ sơ lên giải quyết. Tuy nhiên, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của TAND quận 1 nên TAND TP.HCM đã giao tòa này tiếp tục giải quyết.

 

Ông Bình giải thích: Theo Điều 33 BLTTDS, tòa cấp huyện được thụ lý các tranh chấp dân sự mà không giới hạn con số tranh chấp là bao nhiêu. Đồng thời, ông Ly Sam có quốc tịch Mỹ nhưng về Việt Nam kinh doanh, được phép cư trú tại Việt Nam. Khi nộp đơn khởi kiện và trong quá trình tòa thụ lý, ông Ly Sam vẫn tạm trú tại Việt Nam. Phía bị đơn cũng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, có trụ sở tại quận 1 nên việc tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện, ở đây là TAND quận 1.

 

Tuy nhiên, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM khẳng định việc TAND quận 1 xử sơ thẩm vụ án này là sai. Theo vị này, khoản 3 Điều 33 BLTTDS quy định tranh chấp dân sự mà “có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài” thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện. Nghị quyết 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn rằng “đương sự ở nước ngoài” là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, ông Ly Sam là “đương sự ở nước ngoài” nên vụ án phải thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.HCM.

 

Ông Ly Sam đang nghe phía bị đơn trình bày tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.YẾN

 

Hướng dẫn khó hiểu

Từ lấn cấn trên, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết các thẩm phán đang có những cách hiểu khác nhau về tình tiết “đương sự ở nước ngoài” để xác định thẩm quyền giải quyết án bởi hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa rõ ràng.

 

Cụ thể, Nghị quyết 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn “đương sự ở nước ngoài” như sau: “Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự; đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án”.

 

Như vậy, nếu theo vế thứ nhất của hướng dẫn thì chỉ cần xác định vào thời điểm tòa thụ lý vụ kiện mà đương sự (bất kể quốc tịch gì) không có mặt tại Việt Nam đều là “đương sự ở nước ngoài”. Theo phương pháp loại trừ thì ông Ly Sam tuy có thêm quốc tịch Mỹ nhưng tại thời điểm tòa thụ lý vụ kiện lại có mặt tại Việt Nam nên không phải là “đương sự ở nước ngoài”. Do đó, vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 1.

 

Tuy nhiên, nếu theo vế thứ hai của hướng dẫn thì thẩm quyền giải quyết vụ kiện này phải thuộc về TAND TP.HCM. Bởi lẽ ông Ly Sam có hai quốc tịch (Việt Nam và Mỹ), định cư tại Mỹ, chỉ về Việt Nam kinh doanh. Mặt khác, ông có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện.

 

Nên để tòa TP thụ lý?

Trao đổi, nhiều chuyên gia nhận xét vụ án này rất phức tạp. Dù TAND quận 1 đã xử sơ thẩm nhưng có những tình tiết pháp lý quan trọng chưa được làm rõ. Chẳng hạn, Công ty liên doanh Đại Dương thuê một công ty tư vấn để quản lý kinh doanh máy đánh bạc tại CLB Palazzo. TAND quận 1 đưa công ty tư vấn này vào tham gia tố tụng với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, công ty này là công ty trong nước hay nước ngoài để xác định vụ án có yếu tố nước ngoài hay không vẫn chưa rõ...

 

Bên cạnh vấn đề phức tạp, một số chuyên gia còn cho rằng với tính chất tranh chấp mới mẻ, số tiền tranh chấp quá lớn thì vụ kiện này nên để TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm sẽ đảm bảo hơn.

 

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), vụ án có những nhân chứng người nước ngoài, thời gian lưu trú tại Việt Nam có hạn. Khi họ đã rời Việt Nam, liệu tòa có thể triệu tập họ lại được không? Đồng thời, với các chứng cứ để làm rõ về máy đánh bạc, TAND quận 1 không có thẩm quyền để ủy thác tư pháp, đề nghị nhà sản xuất máy đánh bạc hay tổ chức giám định ở nước ngoài giải thích. Như vậy, xét về mặt tố tụng, nếu để TAND quận 1 xét xử sơ thẩm sẽ vướng về thẩm quyền ủy thác tư pháp. Còn xét về nội dung, TAND quận 1 cũng không thể xác minh, thu thập được chứng cứ từ nước ngoài.

 

Tóm tắt vụ kiện

Ngày 25-10-2009, ông Ly Sam nạp 300 USD vào máy đánh bạc số 13 để tham gia trò chơi có thưởng của CLB Palazzo (nằm trong khách sạn Sheraton Sài Gòn). Sau nhiều lần chơi, máy thông báo trúng thưởng hơn 55,5 triệu USD. Tuy nhiên, phía Công ty liên doanh Đại Dương cho rằng máy bị sự cố nên không trả thưởng. Để chứng minh, công ty đã tháo gỡ bo mạch máy, nhờ một đơn vị nước ngoài giám định (kết quả là số tiền trúng thưởng tối đa trên máy chỉ có 46.000 USD).

Không đồng ý, ông Ly Sam nộp đơn ra TAND quận 1 đòi Công ty liên doanh Đại Dương trả hơn 55,5 triệu USD tiền thắng cược và 3,5 triệu USD tiền lãi vì chậm trả thưởng. Ngày 7-1 vừa qua, TAND quận 1 đã tuyên chấp nhận yêu cầu đòi 55,5 triệu USD tiền thắng cược nhưng bác yêu cầu đòi 3,5 triệu USD tiền lãi của ông Ly Sam.

Sau đó, ông Ly Sam cho biết sẽ kháng cáo hoặc khởi kiện vụ án khác để đòi tiền lãi. Còn phía Công ty liên doanh Đại Dương thì cho rằng bản án sơ thẩm cảm tính, phi lý và xác định sẽ kháng cáo...

Cần hướng dẫn chi tiết hơn

Trong nhiều hội nghị rút kinh nghiệm, nhiều tòa địa phương từng chỉ ra rằng hướng dẫn “đương sự ở nước ngoài” trong Nghị quyết 01/2005 chưa rõ.

Cụ thể, nếu người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ đến Việt Nam du lịch, thăm thân nhân đúng thời điểm họ bị kiện thì có xem là “đương sự ở nước ngoài” hay không? Nếu cả hai bên đương sự đều định cư ở nước ngoài nhưng tranh chấp tài sản ở Việt Nam và cả hai đều có mặt ở Việt Nam chỉ để du lịch hoặc thăm thân nhân vào thời điểm tòa thụ lý thì có xem là “đương sự ở nước ngoài” hay không? Hiểu sao về từ “ở” trong hướng dẫn, là tạm trú ngắn hạn hay dài hạn?

Trước đây, TAND Tối cao từng đưa một vụ ra rút kinh nghiệm chung toàn ngành nhưng chưa được sự đồng thuận cao: Năm 2008, ông Nguyễn Văn Cả (Kevin Nguyễn) nộp đơn xin ly hôn, chia tài sản ra TAND tỉnh Quảng Nam. Ông Cả trình bày rằng ông có hai quốc tịch (Việt Nam và Mỹ), được cấp tạm trú tại địa phương từ tháng 2-2008 đến 12-2008. TAND tỉnh Quảng Nam chuyển vụ việc cho tòa cấp huyện thụ lý. Sau đó, hai bản án sơ, phúc thẩm đã bị cấp giám đốc thẩm hủy, giao lại cho TAND tỉnh thụ lý, giải quyết. Theo cấp giám đốc thẩm, ông Cả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức là trường hợp “đương sự ở nước ngoài” nên thẩm quyền giải quyết phải thuộc TAND tỉnh.

 

HOÀNG YẾN

Theo phapluattp.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,356

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]