Thế nào là đòi nợ đúng luật ?

22/07/2013 09:56 AM

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ vỡ nợ có quy mô lớn. Không ít vụ vay mượn, khi xảy ra tranh chấp người dân không nhờ cơ quan tố tụng mà tự giải quyết, vậy theo quy định của pháp luật thì “đòi nợ” thế nào là đúng luật?

Ranh giới của hành vi

 

Để vay bằng được tiền của bà T., bà M. hứa sau khi trả tiền ngân hàng sẽ bán nhà trả nợ cho bà T ngay (thực tế bà M. vay tiền tiêu xài và cho bạn mượn lại) . Để bà T. tin tưởng, bà M. làm giả hai hợp đồng ủy quyền có công chứng, nội dung là các đồng sở hữu nhà cho phép bà M. toàn quyền bán nhà cho bà T. để trừ nợ… Năm 2010, hai bên ra phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà thì được biết căn nhà đã bị Tòa án kê biên trong một vụ án liên quan xảy ra từ trước đó đã vài năm.

 

 

Quá bức xúc trước cách hành xử của bà M., bà T. quyết định tố giác ra công an. Sau đó, Cơ quan Điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp trao đổi theo hướng khởi tố bà M. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Xem xét hồ sơ xong, Cơ quan Công tố yêu cầu Cơ quan Điều tra làm rõ thêm ý thức chiếm đoạt của bà M. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm khởi tố bà M.

 

Tiếp đó, Cơ quan Điều tra bất ngờ ra thông báo không khởi tố bà M. vì việc vay tiền là quan hệ dân sự, bà M. không có ý thức chiếm đoạt tài sản...

 

Có thể nói, không riêng gì vụ việc vừa nêu trên, mà trong đời sống rất nhiều vụ việc tương tự đã và đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Thậm chí, để vay được tiền, bên vay có thể dùng mọi thủ đoạn gian dối…

 

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Khôi (TP.HCM) để xem xét các hành vi này có phải là lừa đảo hay không thì không thể khẳng định ngay được vì hành vi cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bao gồm: dùng thủ đoạn gian dối và thể hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.

 

Bởi đây là dấu hiệu nhằm xác định một đối tượng nào đó có phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không(?). Trong trường hợp, nếu bên đi vay tiền mới chỉ có hành vi gian dối mà chưa thể hiện ý định chiếm đoạt (tức là người vay có ý thức rằng sau khi vay rồi sẽ trả) nhưng do làm ăn thua lỗ, gặp hoàn cảnh khó khăn… nên không trả được thì không cấu thành tội phạm.

 

Thậm chí, nếu bên đi vay tuy lúc đầu có ý định chiếm đoạt số tiền vay, nhưng sau khi thực hiện hành vi gian dối, người này đã từ bỏ ý định chiếm đoạt thì cũng được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội. Đối với tình huống này, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Liên quan đến vấn đề này, cũng có ý kiến của chuyên gia pháp luật cho rằng: Trong tình huống trên cần phân biệt: Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã sử dụng tiền đó vào các mục đích khác (như phạm tội buôn lậu, đánh bạc, đưa hối lộ...) dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải coi đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của người cho vay;

 

Còn nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với những điều khoản đã thỏa thuận với người cho vay trước đó (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không coi là chiếm đoạt.

 

Theo Luật sư Khôi, trong thực tiễn có nhiều tình huống xảy ra mà muốn xác định chính xác hành vi đó cấu thành tội danh gì thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể một cách thấu đáo. Có thể, nếu hành vi sử dụng tiền vay cấu thành một tội độc lập khác như tội “Sử dụng trái phép tài sản” hoặc một tội danh nào khác thì họ (người vay) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng đó.

 

Trường hợp nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền rồi dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt. Tuy nhiên, nếu người vay bỏ trốn thì mới coi là hành vi chiếm đoạt tài sản đã xảy ra.

 

Thế nào là đòi nợ không phạm luật ?

 

Thực tiễn đời sống thường xuyên diễn ra các hoạt động vay mượn tiền với nhau. Theo Luật sư Nguyễn Văn Khôi, việc thu hồi tiền đã cho vay được thực hiện như sau: Nếu người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu phạm tội (tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”).

 

Trong trường hợp này, người cho vay tiền cần làm đơn tố giác gửi Cơ quan Điều tra, đề nghị tiến hành điều tra nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

 

Nếu xảy ra vụ án hình sự thì khi xét xử tòa án sẽ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, theo đó người vay tiền vừa bị giải quyết về vấn đề hình sự vừa phải bồi thường số tiền chiếm đoạt cho người bị hại do hành vi phạm tội mà người vay tiền gây ra, theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

 

Nếu người vay tiền không có dấu hiệu phạm tội thì đây chỉ là giao dịch dân sự bình thường, việc không trả được nợ đúng hạn là do nhiều nguyên nhân. Người cho vay tiền có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để buộc người vay tiền trả lại tiền.

 

Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền  thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được Cơ quan Thi hành án Dân sự kê biên, phát mại để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người vay tiền.

Nếu tài sản của người phải thi hành án đã được đem bảo đảm để thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác như: Đặt cọc, cầm cố, thế chấp… thì Cơ quan Thi hành án Dân sự sẽ ưu tiên trả các khoản nợ có bảo đảm, khoản tiền còn thừa mới được trả nợ cho những nghĩa vụ không có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự - Luật sư Khôi cho biết.

 

Cũng có ý kiến cho rằng: Khi xảy ra tranh chấp về nợ nần, nếu bản thân người cho vay (chủ nợ) tự đòi tiền theo kiểu “xã hội đen” có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cướp tài sản” hoặc tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp vay tiền được thực hiện dưới danh nghĩa “hùn vốn làm ăn”; thì việc đòi lại số tiền này có thể xảy ra một trong hai trường hợp sau đây: Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, ghi mục đích của việc giao tiền là góp vốn kinh doanh thì việc bạn rút vốn sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên (nếu có) hoặc theo quy định của pháp luật; Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, trong đó ghi rõ mục đích của giao dịch này là “vay tiền” thì đây chỉ là giao dịch vay và cho vay thông thường (không phải là việc góp vốn làm ăn chung).

 

Khó đòi tiền cho vay nếu không có chứng cứ

 

Trong một vụ việc dân sự, để đơn khởi kiện được Tòa án thụ lý, phía nguyên đơn cần củng cố tài liệu chứng cứ liên quan đến việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên. Theo đó, người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Điều này có nghĩa, để đơn khởi kiện của  được chấp nhận, người cho vay phải có bằng chứng, chứng cứ thể hiện mối quan hệ vay hoặc cả hai bên đều thừa nhận có khoản vay này. Đối với “các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó”.

 

Trong trường hợp việc vay mượn giữa hai bên không thiết lập hợp đồng, cũng không có giấy biên nhận mà chỉ có bản ghi âm, thì để bản ghi âm này trở thành chứng cứ trong vụ kiện. Nội dung bản ghi âm phải ghi nhận việc vay mượn giữa hai bên đồng thời người cho vay phải xuất trình được văn bản xác nhận xuất xứ (ví dụ nếu ghi âm bằng điện thoại thì phải được nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp được cuộc gọi, thời gian...).

Nếu không xuất trình được thì bản ghi âm này khó thể trở thành chứng cứ trong vụ án. Ngoài ra, nếu người vay không thừa nhận đã cầm tiền, trường hợp này (phía nguyên đơn) phải xuất trình được cả chứng cứ chứng minh người này đã cầm tiền của bên cho vay (như biên bản nhận tiền...).

 

Đăng Đạt – Lê Hiển

Theo phapluatvn.vn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 72,343

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]